6 tháng đầu năm, loạt chính sách thuế đột xuất tạo hiệu ứng mạnh với nền kinh tế
Các chính sách thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời phát huy hiệu quả góp phần sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, vừa tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Bộ Tài chính đánh giá bước vào năm 2022, do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.

Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường.

Tuy nhiên, "giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân", Bộ Tài chính quan ngại.

Trong bối cảnh này, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế phục hồi và phát triển, căn cứ Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo bộ, Vụ Chính sách thuế kịp thời đề xuất 8 đề án chính sách thuế, phí và lệ phí phát sinh đột xuất, ngoài chương trình công tác.

Những đề án đột xuất do Vụ Chính sách thuế đề xuất, được hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tạo hiệu ứng mạnh với kinh tế - xã hội liên quan đến chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp, cũng như chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường để “giảm nhiệt” giá xăng dầu, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Những chính sách có thể kể đến như: 3 Đề án hoàn thành thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc sửa đổi chính sách thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô điện chạy pin; Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn; Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022 của UBTVQH về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Cùng với đó, Vụ Chính sách thuế hoàn thành 2 đề án thuộc thẩm quyền của Chính phủ như: Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ; Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...

Các chính sách liên quan đến thuế có nhiều vấn đề phức tạp vì chính sách ảnh hưởng tới hơn 90 triệu dân nên có nhiều vấn đề cần cân nhắc thận trọng khi triển khai, áp dụng.

Cùng với đó, nhiều vấn đề khiếu nại liên quan đến chính sách thuế được Vụ Chính sách thuế giải đáp thấu đáo nên tạo được niềm tin trong người dân, doanh nghiệp.

Đánh giá về những kết quả đạt được, theo ông Nguyễn Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, việc nhanh chóng ban hành các chương trình, đề án quan trọng nêu trên góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, Vụ Chính sách thuế còn gặp phải khó khăn lớn và tồn tại từ nhiều năm qua, đó là thiếu biên chế trong điều kiện yêu cầu công việc của bộ ngày càng lớn, chất lượng cao, tiến độ gấp.

"Hiện tại chỉ với 43 công chức, thời gian thâm nhập thực tế của công chức còn ít, thiếu thông tin, dữ liệu phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích, dự báo những tác động, ảnh hưởng nhất là tác động đến nền tài chính quốc gia trước khi đề xuất tham mưu với bộ, Chính phủ", Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho hay.

Chia sẻ kế hoạch công tác trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Hưng, cho biết từ nay đến cuối năm, Vụ Chính sách thuế tiếp tục tập trung vào công tác xây dựng pháp luật, trong đó có nhiều đề án thuộc thẩm quyền Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như các báo cáo nghiên cứu, rà soát một số luật thuế gồm: Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đáng chú ý, ngoài các chương trình nêu trên, Vụ Chính sách thuế sẽ thực hiện các đề án phát sinh khác theo chỉ đạo để phục hồi và phát triển kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô như: Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. 

Hiện nay, "dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thuế giá trị gia tăng đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ để trình Chính phủ ban hành Nghị định", Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho hay.

Ánh Tuyết
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc