Duy trì đà tăng trưởng, GRDP Nghệ An tăng vượt kịch bản dự kiến
Nghệ An đứng thứ hai vực Bắc Trung Bộ về tốc độ tăng trưởng GRDP, là một trong 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm nay.
Thông tin được Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh báo cáo tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 hôm nay, ngày 12/7.
10 giải pháp trọng tâm
Theo ông Lê Hồng Vinh, trong 6 tháng đầu năm 2022, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; dịch bệnh COVID-19 lây lan rộng, nhất là trong quý I; giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả khá tích cực.
Kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng. GRDP tính theo giá so sánh 2010 ước đạt 46.426 tỷ đồng, tăng 8,44% (kịch bản tăng trưởng đề ra 6 tháng đầu năm là 7,7-8,3%; cùng kỳ 6 tháng năm 2021 tăng 7,43%), đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 10.100 tỷ đồng, đạt 67,4% dự toán, bằng 100,6% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 15.303 tỷ đồng, đạt 49,3% dự toán.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thu hút đầu tư tiếp tục đạt được kết quả khá tích cực với 58 dự án cấp mới và điều chỉnh 63 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 28.101,2 tỷ đồng; trong đó tổng số vốn cấp mới là 14.827 tỷ đồng.
Trước đó, số liệu công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Nghệ An là một trong 10 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm (với 580 triệu USD, là mức cao nhất từ trước đến nay).
Ông Lê Hồng Vinh cũng cho hay, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm các cấp, các ngành tập trung thực hiện tốt 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình phê duyệt, triển khai thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm thuộc Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và các Nghị quyết của Trung ương.
Phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan tập trung chuẩn bị tốt các nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị theo kế hoạch đề ra; tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010; khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình các cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ...
Kiên quyết thu hồi dự án treo, chậm tiến độ
Báo cáo trước kỳ họp HĐND tỉnh, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An về các dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích đã đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh này triển khai thực hiện 6 nhóm nội dung; trong đó cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xử lý, kiên quyết thu hồi đất những dự án treo, chậm tiến độ qua nhiều năm đã được gia hạn, những dự án vi phạm pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai…
Dự án Trường đại học Vạn Xuân sau nhiều lần được UBND tỉnh Nghệ An gia hạn, đến nay dở giang, nhiều diện tích vẫn đang để hoang.
Theo ông Cao Tiến Trung, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Phó trưởng đoàn giám sát chuyên đề về dự án treo, dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất sai mục đích của HĐND tỉnh Nghệ An cho hay, hàng năm, UBND tỉnh trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề về các dự án chậm tiến độ, dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh được thực hiện trong tháng 4 và 5 vừa qua, báo cáo cũng nêu rõ các kiến nghị của HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh nhằm khắc phục tình trạng dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn.
Trong đó, sớm hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt và công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050; ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, tập trung thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, uy tín vào đầu tư;
Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 72 của UBND tỉnh về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định mới ban hành; chỉ đạo thực hiện việc quản lý tiền ký quỹ đầu tư chặt chẽ và xử phạt nghiêm đối với các dự án vi phạm quy định…
Theo UBND tỉnh Nghệ An, kết quả từ năm 2016 đến nay, các đoàn liên ngành đã tiến hành 489 lượt kiểm tra đối với 391 dự án (tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, kiểm tra 186 dự án).
Trong số 391 dự án kiểm tra, UBND tỉnh này đã chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực các văn bản pháp lý có liên quan đối với 92 dự án; cho gia hạn tiến độ 179 dự án; cho phép tiếp tục thực hiện theo tiến độ đã được cho phép đối với 30 dự án; xử lý khác đối với 90 dự án.
Ngoài ra, có 13 dự án được giao đất, cho thuê đất, nhưng chủ đầu tư sử dụng đất sai mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; 120 chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với tổng gần 700 tỷ đồng.