Kéo dài miễn thuế linh kiện ô tô nhập khẩu đến hết năm 2027
Tiếp tục "xóa" thuế nhập khẩu linh kiện ô tô, giúp gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. 

GIA HẠN CHƯƠNG TRÌNH ƯU ĐÃI HẾT NĂM 2027

Đáng chú ý, Chính phủ quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2027, để tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.

Trong đó, Nghị định số 101 sửa đổi, bổ sung quy định về kỳ xét ưu đãi thuế. Doanh nghiệp được lựa chọn kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng hoặc 12 tháng. Đồng thời, điều chỉnh giảm về sản lượng để tham gia chương trình ưu đãi thuế cho phù hợp với bối cảnh mới.

Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu trong nước kéo dài đến hết năm 2027.

Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô sử dụng nhiên liệu xăng, dầu trong nước kéo dài đến hết năm 2027.

Theo quy định, giai đoạn từ 2022 - 2027, sản lượng lần lượt cho kỳ xét ưu đãi 6 tháng sẽ là 11.500 xe và với kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng là 23.000 chiếc với các loại xe xăng. Trong khi đó, sản lượng riêng mỗi mẫu xe phải đạt là 9.000 xe cho kỳ ưu đãi 12 tháng. 

Đối với xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu, xe Hybrid, xe ô tô sử dụng nhiên liệu sinh học hoàn toàn, xe sử dụng khí thiên nhiên, yêu cầu sản lượng thấp hơn rất nhiều. Theo đó, với kỳ xét ưu đãi thuế 6 tháng yêu cầu sản lượng tối thiểu là 125 xe với kỳ xét ưu đãi 6 tháng và 250 xe với kỳ xét ưu đãi thuế 12 tháng.

Sản lượng tối thiểu doanh nghiệp sản xuất xe chạy bằng điện; xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu phải đáp ứng.

Sản lượng tối thiểu doanh nghiệp sản xuất xe chạy bằng điện; xe ô tô sử dụng pin nhiên liệu phải đáp ứng.

ƯU ĐÃI THUẾ, GIA TĂNG TỶ LỆ NỘI ĐỊA

Theo quy định hiện hành, Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô được áp dụng kể từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022. Theo đó, với linh kiện ô tô buộc phải nhập khẩu sẽ được ưu đãi thuế 0%. Đây là chương trình lần đầu được áp dụng ở Việt Nam, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Sau 4 năm thực hiện chương trình ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được, buộc phải nhập khẩu khi đủ điều kiện, cả nước có 9 doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí về quy mô, năng lực để tham gia chương trình.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trở lại để sản xuất, lắp ráp một số dòng xe mà trước đó dừng sản xuất tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đầu tư thêm trang thiết bị để tăng công suất và năng lực sản xuất để cung cấp các sản phẩm cho thị trường trong nước.

"Việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước", Bộ Tài chính đánh giá.

Cụ thể, Công ty Thaco đầu tư nhà máy mới sản xuất xe ôtô cao cấp trị giá 4.000 tỷ được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới năm 2021.

Công ty Vinfast đầu tư tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Hải Phòng, rộng 335 ha với tổng vốn đầu tư đạt 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 3.600 lao động năm 2020.

Công ty Thành Công đầu tư thêm một nhà máy tại Ninh Bình, công suất sản xuất 100.000 xe/năm...

Việc triển khai Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô quy định tại các Nghị định từ năm 2018 đến nay góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của ô tô nhập khẩu trong bối cảnh cắt giảm hàng rào thuế quan theo các Hiệp định FTA.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều lĩnh vực phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, trong đó lĩnh vực vận tải, vận chuyển hành khách công cộng gần như đình trệ cùng với thu nhập của người dân giảm sút làm cho doanh số bán ra của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sụt giảm mạnh, nhất là dòng xe ô tô buýt, minibuýt và xe khách.

Vì vậy, Bộ Công Thương, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Viêt Nam (VAMA) kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn sau năm 2022.

Ánh Tuyết
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc