Một năm biến động mạnh của vàng, nhà đầu tư dài hạn còn có lãi?
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Trải qua một năm nhiều thăng trầm, giá vàng thế giới đang dao động quanh ngưỡng 1.800 USD/oz trong những ngày cuối của năm 2022. Trong nước, giá vàng miếng SJC bán lẻ chững ở vùng 67 triệu đồng/lượng, mang lại cho nhà đầu tư mức lợi nhuận hơn 5 triệu đồng/lượng nếu nắm giữ từ cuối năm ngoái tới hiện tại.

Lúc hơn 10h trưa nay (26/12), Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 66,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,9 triệu đồng/lượng (bán ra).

Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào là 52,85 triệu đồng/lượng và bán ra là 53,7 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,2 triệu đồng/lượng và 67 triệu đồng/lượng.

Vào thời điểm cuối năm 2021, giá vàng miếng SJC dao động 61,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu mua vàng miếng vào cuối năm ngoái và nắm giữ suốt 12 tháng qua, nhà đầu tư nếu bán đi vào thời điểm hiện tại sẽ lãi khoảng 4,5-4,7 triệu đồng/lượng vàng, tương đương lãi khoảng 7,3%.

Trong khi đó, nhà đầu tư trên thị trường vàng quốc tế thua lỗ nếu nắm giữ vàng suốt 1 năm qua. Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới vào cuối năm 2021 là khoảng 1.830 USD/oz. Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc hơn 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.799,5 USD/oz. Như vậy, giá vàng thế giới đã giảm hơn 30 USD/oz trong vòng 1 năm, tương đương giảm hơn 1,6%.

Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 51,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank. So với giá vàng miếng SJC bán lẻ, giá vàng thế giới đang thấp hơn khoảng 15,3-15,4 triệu đồng/lượng.

Nhiều thị trường tài chính trên thế giới đang trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giao dịch diễn ra trầm lắng và khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp.

Trao đổi với hãng tin CNBC, nhà phân tích Peter Fertig của Quantitative Commodity Research nói rằng giá vàng gần đây di chuyển ngang (sideway) quanh ngưỡng 1.800 USD/oz và nhà đầu tư không có nhiều hứng thú với việc nắm giữ trạng thái vàng lớn trước khi bước vào kỳ nghỉ đón Giáng sinh và năm mới.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi của Mỹ do Bộ Thương mại nước này công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy mức tăng 0,2% trong tháng 11 so với tháng trước, sau khi tăng 0,2% trong tháng 10. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích.

Cả năm, PCE lõi tăng 4,7%, cùng nằm trong dự báo, và giảm so với mức tăng 5% ghi nhận trong tháng 10. PCE là thước đo lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng và có nhiều ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương này.

Do các con số được báo cáo đều nằm trong tầm dự báo, thị trường vàng không có nhiều biến động sau khi thống kê này được công bố.

Trước đó, giá vàng thế giới đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi số liệu kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tăng tốt hơn so với báo cáo công bố lần đầu. Dữ liệu này đưa đồng USD tăng giá vàng có khả năng củng cố quyết tâm chống lạm phát của Fed – nhân tố gây bất lợi cho giá vàng trong năm nay.

“Giá vàng sẽ nhận được một cú huých nếu các số liệu cho thấy lạm phát suy yếu, vì điều đó sẽ làm củng cố khả năng Fed giảm bớt tốc độ tăng lãi suất”, Giám đốc Brian Lam của GoldSilver Central nhận định. Ngược lại, nếu kinh tế Mỹ giữ nhịp tăng trưởng tốt, giá vàng sẽ gặp trở ngại, vì đó là cơ sở để Fed duy trì lâu hơn sự cứng rắn.

Ngân hàng Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.480 đồng (mua vào) và 23.800 đồng (bán ra).

Đồng USD trên thị trường quốc tế giảm giá nhẹ, với chỉ số Dollar Index giảm 0,1% so với chốt tuần trước, về ngưỡng 104,3 điểm. Do kỳ vọng Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, chỉ số đo sức mạnh đồng USD này đã giảm hơn 2,2% trong vòng 1 tháng và giảm gần 8,6% trong vòng 3 tháng.

Điệp Vũ
Nguồn: VnEconomy