Năm 2023 dự toán chi đầu tư phát triển gần 730.000 tỷ đồng, tăng hơn 38%
Dự toán tổng chi đầu tư phát triển năm 2023 ở mức 726,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1% so dự toán năm 2022, đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi.

Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Bộ Tài chính biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội”. 

Báo cáo hiện được đăng tải công khai nhằm lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đưa công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước ngày càng minh bạch, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hướng tới các mục tiêu phục vụ xã hội, cộng đồng một cách tốt nhất. 

BỘI CHI NGÂN SÁCH 2022 HƠN 420.000 TỶ ĐỒNG

Bộ Tài chính cho biết nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022 được triển khai trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine, chính sách kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt của Trung Quốc ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và đẩy giá xăng dầu, lương thực và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao; việc điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa ở Mỹ, EU và một số nước để kiểm soát tình trạng lạm phát, tác động đến thị trường tài chính, hoạt động đầu tư, thương mại toàn cầu.

Dù nền kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, ước tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% cả năm, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%) nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những biến động từ bên ngoài.

Cùng với đó, áp lực kiểm soát gia tăng; hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số lĩnh vực còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chậm; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai, bão lũ, sạt lở đất... tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các nhiệm vụ năm 2022.

Về thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đánh giá thực hiện cả năm ước đạt gần 1.614,1 nghìn tỷ, tăng 14,3% so với dự toán, vượt thu khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt 17,2%GDP, trong đó từ thuế và phí đạt khoảng 13,9%GDP. 

Còn ước chi ngân sách nhà nước đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so dự toán. 

Trong đó, tiến độ giải ngân vốn 9 tháng đầu năm 2022 vẫn chậm so với yêu cầu và cùng kỳ năm trước; mặc dù số tuyệt đối tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước, nhưng tỷ lệ mới đạt 46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 47,38%).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính ước thực hiện chi đầu tư phát triển cả năm đạt 663,3 nghìn tỷ đồng, tăng 137,2 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng tới 26,1% so với dự toán, tính cả vốn đầu tư nguồn chương trình phục hồi và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ trong năm 2022...

Ước tính cả năm giải ngân vốn đầu tư đạt khoảng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Căn cứ khả năng thu và đánh giá chi ngân sách nhà nước cả năm nêu trên, Bộ Tài chính dự kiến bội chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ước thực hiện khoảng 421,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5%GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện từ nay đến hết năm 2022, Bộ Tài chính cũng phấn đấu đưa bội chi ngân sách nhà nước về mức 4%GDP, trong phạm vi dự toán.

TỔNG THU HƠN 1,6 TRIỆU TỶ, CHI ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HƠN 730.000 TỶ

Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, một số nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, giá dầu và giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, tình hình chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... làm gia tăng rủi ro, khó khăn, thách thức cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Với dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính xác định mục tiêu ngân sách nhà nước năm 2023 là: "Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của Trung ương".

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (dự kiến tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% so với năm 2022), Bộ Tài chính cho biết dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% so với thực hiện năm 2022.

Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%GDP.

Năm 2023 dự toán chi đầu tư phát triển gần 730.000 tỷ đồng, tăng hơn 38% - Ảnh 1

Cụ thể, dự toán thu nội địa là 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022.

Dự toán thu dầu thô 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn (mỗi tấn tương đương khoảng 7,5 thùng), giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng.

Với phương án nêu trên, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 tăng khoảng 209 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Đây là mức dự toán tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước.

Trong đó, dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 425 nghìn tỷ đồng; dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 186 nghìn tỷ đồng.

Dự toán thu viện trợ 5,5 nghìn tỷ đồng.

Còn dự toán tổng chi cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ (+16,3%) so với dự toán năm 2022.

Dự kiến bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước cho một số nhiệm vụ chủ yếu như sau.

Chi đầu tư phát triển 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng 38,1% so dự toán năm 2022, đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chi trả nợ lãi 102,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với dự toán năm 2022.

Chi thường xuyên 1.172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022. Trong đó, bố trí đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước, thực hiện các chế độ, chính sách ban hành; chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chi tinh giản biên chế...

Căn cứ Kế hoạch tài chính quốc gia 05 năm và nhu cầu nguồn lực để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP

Trong đó: bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53% GDP, bội chi cho cân đối ngân sách nhà nước là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2022 dù triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả.

Đến nay, tiến độ triển khai gói kích cầu cho phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch còn chậm chạp, không đảm bảo được hiệu quả thực tế và ý nghĩa sâu sắc, quan trọng như khi đã đề ra. 

Trao đổi bên lề phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 diễn ra ngày 27-28/10, đại biểu Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, bày tỏ sự lo ngại năng lực giải ngân vốn đầu tư công hạn chế, trong khi năm 2023 số vốn đầu tư công cần giải ngân rất lớn.

Do đó, bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - Ảnh: Quochoi.vn.Ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - Ảnh: Quochoi.vn.

Đại biểu Trần Văn Lâm cũng đặt vấn đề liệu có nên tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nội dung theo tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không?

Bởi Nghị quyết 43 có nhiều chính sách về thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội và tác động rất nhiều đến tỷ giá và tạo sức ép lớn lên lạm phát.

"Trong giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi đã nhận thức rõ áp lực lạm phát lên nền kinh tế - xã hội của đất nước, nên chăng cần xem xét thu gọn một số chính sách theo tinh thần Nghị quyết 43 để tiết kiệm nguồn lực tài chính của đất nước, dành nguồn lực, dư địa cho giai đoạn sau, giúp giảm trần nợ công, giảm bội chi ngân sách và giảm áp lực lạm phát. Tương tự, đối với chính sách tài khóa cũng cần tính toán kỹ lưỡng tránh lãng phí nguồn lực", ông Lâm gợi mở.

 

Ánh Tuyết
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc