Nâng cao năng lực doanh nghiệp logistics vào thị trường EU
rao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh nhờ Hiệp định EVFTA, có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp logistics.
Sau hai năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, nhờ các thuận lợi từ Hiệp định mang lại, xuất khẩu hàng hoá của Việt NAm sang thị trường EU tăng trưởng tích cực. Đồng thời, việc thực hiện các cam kết của Hiệp định với tiêu chuẩn cao cũng đang tạo ra động lực đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Độ mở sâu rộng hơn
Theo đó, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Đạt được kết quả này, không thể không nhắc tới đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp logistics trong việc thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Thậm chí, khi so sánh các cam kết liên quan đến logistics được quy định tại EVFTA với một số FTA khác còn có thể thấy mức độ mở cửa thị trường cao hơn một số hiệp định khác, kể cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Đáng lưu ý, thông qua việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sang các nước EU, EVFTA giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics, có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.
Ngoài ra, những cam kết mở của Hiệp định là động lực hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư EU tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ logistics, vận tải hàng hải khác nhau cho thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam hợp tác, học hỏi và gọi vốn từ các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại và chiếm thị phần lớn trên thị trường logistics thế giới đến từ châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức với doanh nghiệp logistics nội.
Từ góc độ doanh nghiệp logistics Hải Phòng, chia sẻ vấn đề này tại Hội nghị Toạ đàm “Tình hình thực thi hiệp định EVFTA: Thực trạng và giải pháp tận dụng hiệu quả”, ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) cho biết, sản lượng hàng hóa thông qua tại các cảng thuộc khu vực Hải phòng khoảng ~6 triệu teus với mức tăng trưởng ~10% / năm.
Dự kiến sản lượng thông qua các cảng khu vực Hải phòng sẽ là 8 triệu teus vào năm 2025 và 13 triệu teus vào năm 2030. Nếu chỉ sử dụng vận tải bộ là chính như hiện nay với mức khoảng 98%, tương đương 10,000 chuyến xe / ngày đêm, thì hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ sẽ không phát triển, không đủ đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa dẫn tới tình trạng ùn tắc kéo dài, thậm chí nghiêm trọng hơn những thời điểm cao độ trong thời gian qua, phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và sẽ là rào cản cho việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước cũng như phát triển sản xuất.
Thực tế, với 2 cầu cảng tại TC-HICT với công suất 1.1 triệu teus /năm và năm 2022 đã khai thác hết công suất, ông Dũng đánh giá: “2 cầu cảng này đã hết năng lực tiếp nhận thêm các tàu lớn chạy thẳng đi Mỹ, Úc, Ấn Độ, đặc biệt là đi Châu Âu là tuyến được khai thác bằng các tàu container lớn nhất, hiện đại nhất, phần lớn từ 18,000 teus trở lên, số lượng nhỏ còn lại là từ 14,000-17,999 teus”.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HPLA cho rằng, cần có giải pháp cắt giảm chi phí logistics, gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp Việt tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA.
Trong khi đó, tỉ lệ vận chuyển đường bộ 1 chiều (1 chiều hàng và 1 chiều chạy rỗng) chiếm trên 80% do thiếu các trung tâm Logistics tại các khu vực, trung tâm khu công nghiệp lớn.
Cơ chế thu hút đầu tư vận tải thuỷ
Từ thực tế này, Chủ tịch HPLA nhận định cần có giải pháp cắt giảm chi phí logistics nhằm gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá và doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp logistics, tận dụng tối đa lợi thế từ EVFTA tại thị trường EU.
Theo đó, ông Trần Tiến Dũng cho rằng, trước hết, để có chi phí vận tải biển cạnh tranh, tương tự như các cảng khác trong khu vực và Cái Mép, Chính phủ và các Bộ Ban Ngành cùng Thành phố Hải phòng cần tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác cảng nhanh chóng triển khai xây dựng, khai thác các bến cảng đã được chấp thuận tại khu vực Lach Huyện như Bến số 3+4 của Công ty CP Cảng Hải phòng, Bến 5+6 của Công ty CP Hateco cũng như các bến tiếp theo của khu vực Lạch Huyện.
Thứ hai, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác Cảng, Logistics nghiên cứu, phát triển cảng nước sâu, trung tâm logistics tại khu vực Nam Đồ Sơn - là khu vực có ưu thế về thủy văn, có thể tiếp nhận được tàu cỡ lớn trên 20,000 teus và thuận lợi cho việc kết nối với các tỉnh Bắc Trung Bộ.Đại diện các doanh nghiệp hội viện HPLA tham dự Hội nghị.
Thứ ba, tạo điều kiện, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế quan tâm đầu tư vào các phương thức vận tải có công suất lớn, chi phí cạnh tranh với lượng khí phát thải thấp để hỗ trợ cho vận tải đường bộ như đường sắt, đường thủy.
“Đặc biệt với ưu điểm địa hình tự nhiên cùng hệ thống sông ngòi phong phú tại khu vực miền Bắc nhưng chưa được khai thác xứng với tiềm năng, vận tải thủy sẽ là giải pháp tốt nhất trong điều kiện kinh tế nước ta hiện nay, đảm bảo năng lực vận chuyển lớn nhất/đồng vốn đầu tư, đảm bảo chi phí vận chuyển thấp nhất và lượng khí phát thải thấp nhất so với các phương thức vận tải khác”, ông Trần Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ tư, tăng cường sự phối hợp giữa các Tỉnh, thành phố trong khu vực để sớm thành lập các Trung tâm Logistics, trạm trung chuyển, cảng thủy nội địa,… tại các khu vực tập trung nhiều nhà máy, có điều kiện triển khai cùng lúc nhiều phương thức vận tải bao gồm cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không.
Bởi theo ông Dũng: “Khi đó sẽ nâng cao hệ số vận chuyển hàng/km, tối đa hiệu suất khai thác phương tiện, giải phòng nguồn lực (đầu tư đầu kéo) để tập trung phát triển các loại hình vận tải khác có hiệu quả cao hơn. Ví dụ 1 số địa điểm có thể xây dựng như Khu cửa sông Văn Úc thuộc Huyện Tiên Lãng, Tp Hải phòng; khu Quế Võ thuộc Bắc Ninh; Khu Thái Hà thuộc Hà Nam,…”