Ngân hàng Nhà nước nói gì về khả năng giảm lãi suất trong nửa cuối năm 2023?
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú. Ảnh - VGP.

Tại họp báo Chính phủ chiều 5/5, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, việc giảm lãi suất là một trong những chính sách rất quan trọng, có ý nghĩa thiết thực giúp các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh của mình.

Do đó, chính sách giảm lãi suất được thực hiện rất thiết thực và quyết liệt. “Chính sách hạ lãi suất cho doanh nghiệp là một trong 8 chính sách Ngân hàng Nhà nước triển khai trong 4 tháng đầu năm 2023”, ông Tú thông tin.

Cụ thể, chính sách một là việc điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền cũng như bảo đảm ổn định tỷ giá. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất đã được triển khai tích cực.

Hai là, tạo dư địa của lượng tín dụng năm nay, dự kiến là 14,5%, cho việc khôi phục nền kinh tế cũng như tăng trưởng.

Ba là, luôn bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế cũng như tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng.

Bốn là, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu qua những chỉ đạo, điều hành hiện nay. Theo ông Tú, tốc độ tăng của kinh doanh bất động sản hiện nay rất cao (9,78%), trong khi tín dụng chung của nền kinh tế tăng 3,24% tính đến thời điểm hiện nay.

Năm là, gói 120.000 tỷ đồng cho bất động sản cho 3 đối tượng ưu tiên và rất nhiều gói khác của các ngân hàng thương mại triển khai, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại nhà nước.

Sáu là, giãn hoãn nợ, kéo dài thời hạn trả nợ cho các doanh nghiệp có khó khăn đến kỳ hạn chưa trả nợ được, kể cả lãi và gốc 1 năm. Bảy là, chỉ đạo tất cả các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí chính, thủ tục giảm chi phí… hỗ trợ cho doanh nghiệp

Cuối cùng là chính sách giảm lãi suất. Từ đầu năm đến nay, trong 8 giải pháp đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết giải pháp giảm lãi suất được Ngân hàng Nhà nước tính đến là giảm lãi suất điều hành. Trong thời gian rất ngắn, đánh giá tính hình kinh tế trong nước và quốc tế nên quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.

“Một là giảm lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế khoảng từ 1-1,2% lãi suất huy động, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%. Đây là mức tính trung bình cho các ngân hàng thương mại nhà nước”, ông Tú thông tin một vài con số tổng quan.

Hiện nay, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới, những khoản tín dụng mới vừa được thực hiện thì tiền gửi bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%. “Đây là những con số cho thấy tốc độ giảm lãi suất của chúng ta khá tích cực trong thời gian vừa qua”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhìn nhận.

Về kỳ vọng giảm lãi suất trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, quan điểm là tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý, bảo đảm được mục tiêu chính là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và bảo đảm sự hài hòa giữa tỉ giá và lãi suất. Chính vì thế điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân vay vốn.

Vừa qua, tại hội nghị ngày 25/4 để triển khai Thông tư 02 về giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ, cũng đã đặt ra vấn đề với các ngân hàng còn cho vay cao. Một vài ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để sao có mặt bằng thống nhất.

“Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung, đã được xem xét đánh giá”, ông Tú nói và cho hay, thời gian gần đây, các ngân hàng hầu hết đều có sự chủ động trong việc giảm lãi suất. Riêng các ngân hàng thương mại những tháng đầu năm đã có 2 đợt giảm, đó là 3 tháng đầu năm và trong tháng 4 vừa qua. Đây cũng là một trong những định hướng rất tích cực.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin thêm, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo, định hướng, vận động các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho doanh nghiệp, vừa chia sẻ với doanh nghiệp vừa tạo điều kiện mở rộng, đẩy mạnh hơn nữa tín dụng từ nay đến cuối năm.

Phúc Minh
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc