Quốc hội thông qua cơ chế đặc biệt cho Chính phủ và Thủ tướng để phòng, chống dịch Covid-19
Toàn cảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 28/7, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp với tỷ lệ 469/469 đại biểu tham gia (chiếm 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành. Trong đó, đó có nội dung đáng chú ý về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 với cơ chế đặc biệt cho Chính phủ trong công tác này. 

Nghị quyết khẳng định, hiện tại, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường với các biến chủng mới như Delta hoặc những biến chủng khác có khả năng tiếp tục xuất hiện và lây lan trên toàn cầu, số lượng người mắc bệnh, tử vong tăng nhanh, nguồn cung ứng vaccine trên toàn thế giới còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách.

CÓ THỂ THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP NHƯ TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH

Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm việc áp dụng biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch Covid-19 về áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh và có giải pháp không để xảy ra tiêu cực, hạn chế tối đa lãng phí trong hoạt động này.

CHUYỂN 1.237 TỶ USD TỪ KINH PHÍ Y TẾ NĂM 2020 ĐỂ MUA VACCINE COVID-19

Thứ hai, thực hiện chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch Covid-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021.

Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Trong trường hợp cấp thiết, ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

TRÌNH XEM XÉT CÁC QUY ĐỊNH PHÒNG, CHỐNG DỊCH KHÔNG CÓ TRONG LUẬT

Thứ ba, ngoài các biện pháp ở hai điều trên, trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19 khác với quy định của luật, thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện.

Thứ tư, bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân, đặc biệt là người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động. Nghiên cứu thực hiện miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.

Những biện pháp thuộc 4 điểm trên đây được phép thực hiện đến hết ngày 31/12/2022 và phải báo cáo Quốc hội về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt này tại kỳ họp gần nhất. Căn cứ tình hình thực tế và nếu thấy cần thiết thì Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp này tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).

Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng dịch Covid-19; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vaccine"; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng và phòng, chống dịch, sớm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, giữ vững trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, kiểm soát chặt chẽ thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật và xử lý nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung. Tăng cường phân cấp cho các địa phương để bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch Covid-19.

Quang Trung
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc