Tái định hình thị trường tài chính toàn cầu và tác động đến Việt Nam
Hệ thống tài chính Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tài chính do tác động ngoại nhập. Ảnh: Quốc Tuấn

Thị trường nhiều rủi ro

Những biến động về môi trường vĩ mô trong năm qua tác động mạnh mẽ đến bức tranh thị trường tài chính toàn cầu. Điều này mang lại nhiều cơ hội thay đổi, phát triển đột phá cho mỗi thực thể kinh tế, tài chính xong cũng đặt ra không ít thách thức với sự phát triển bền vững của từng đơn vị cũng như toàn hệ thống.

Để chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, giảm thiểu rủi ro, tạo bước đệm hướng tới phát triển bền vững, cần có những giải pháp chiến lược cho quá trình tái định hình thị trường tài chính Việt Nam một cách cụ thể, mang tính toàn cầu.

Trước hết, cần nhìn nhận hệ thống tài chính Việt Nam với các rủi ro, thách thức chính như: Một là, hệ thống tài chính Việt Nam đối mặt với nguy cơ rủi ro tài chính do tác động ngoại nhập. Mức độ rủi ro và sức chịu đựng của thị trường tài chính (TTTC) Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình - khá. Tuy nhiên, một số khu vực đang có sức chịu đựng ở mức trung bình, lại bị ảnh hưởng nhiều bởi biến động TTTC thế giới và luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng, song nguy cơ rủi ro, mức độ biến động cũng tương đối cao nếu đòn bẩy tài chính thiếu kiểm soát chặt chẽ. Cùng với đó là quy mô thị trường còn nhỏ, hàng hóa chưa phong phú, tính minh bạch chưa cao, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân. Các loại hình quỹ đầu tư chưa phát triển và hệ thống công nghệ thông tin còn lạc hậu.

Khu vực ngân hàng luôn chịu áp lực tăng vốn do nền vốn còn mỏng, hệ số an toàn vốn (CAR) còn thấp, phụ thuộc vào tín dụng; tỷ lệ tín dụng/GDP khá cao, khoảng 138%, cao hơn so với mức bình quân ASEAN-9 là 86% GDP. Nợ xấu tiềm ẩn có nguy cơ gia tăng (có thể lên 2,5 - 3% trong năm 2022 khi các hỗ trợ giãn hoãn, gia hạn thời gian trả nợ hết hiệu lực). Cùng với đó là trách nhiệm trích lập dự phòng rủi ro tăng thêm trong giai đoạn 2022 – 2024.

Thị trường bảo hiểm và quản lý tài sản Việt Nam mặc dù có sự tăng trưởng khá tích cực trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng vẫn là các thị trường non trẻ, khả năng cạnh tranh thấp so với khu vực và thế giới.

Hai là, sức cạnh tranh của TTTC Việt Nam còn thấp so với khu vực. Mặc dù đã đạt kết quả ấn tượng trong năm 2020 nhưng quy mô, giá trị giao dịch và vốn hóa TTCK, thị trường trái phiếu, bảo hiểm chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong đó, tỷ lệ tài khoản chứng khoán/dân số và tài khoản ngân hàng/dân số ở mức thấp so với khu vực. Tỷ lệ thâm nhập sử dụng bảo hiểm của Việt Nam cũng rất thấp (chỉ 2,7% dân số so với trung bình các quốc gia mới nổi khác là 3,3%). Phí bảo hiểm bình quân đầu người mới chỉ ở mức 72USD/ người/ năm chưa bằng một nửa so với trung bình các quốc gia mới nổi. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam còn cao hơn mục tiêu 10% đến cuối năm 2020. Vì vậy, vấn đề thể chế, năng lực quản lý rủi ro hệ thống tài chính; tính minh bạch, chuyên nghiệp của môi trường đầu tư vẫn là thách thức khá lớn trong bối cảnh kinh tế số, tài chính - tiền tệ số đang phát triển nhanh.

Ba là, áp lực đến từ các mối đe dọa chung toàn cầu hiện nay như rủi ro pháp lý, rủi ro lan truyền... trong quá trình toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng trong khi sự phục hồi nội lực nền kinh tế vẫn khá mong manh trước tác động của dịch bệnh.

Mặc dù đã đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế tích cực trong bối cảnh suy thoái toàn cầu (tăng trưởng 2,91% năm 2020 và dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021 - 2025), song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với 5 thách thức nội tại lớn gồm: Chất lượng tăng trưởng; Sức cạnh tranh chưa cao; Tái cơ cấu còn chậm và chưa đi vào chiều sâu; Kết quả thực hiện ba đột phá chiến lược (thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng) còn chưa đạt kỳ vọng; Vấn đề già hóa dân số ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

Bốn là, TTTC Việt Nam đối mặt với rủi ro tội phạm công nghệ cao. Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; làm chủ 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng và đầu tư nhiều giải pháp an toàn thông tin như tường lửa thế hệ mới, phần mềm ngăn chặn mã độc, xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số...  Tuy nhiên, hoạt động phòng chống tội phạm tài chính - ngân hàng còn gặp nhiều thách thức do hạn chế về thể chế, năng lực tổ chức quản lý; còn nhiều lỗ hổng bảo mật chưa được khắc phục kịp thời; số vụ tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng dự báo tiếp tục tăng.

Năm là, phát triển TTTC xanh còn sơ khai. Đây mới được xem là một xu hướng đầu tư, phát triển và vẫn đang đối diện với nhiều thách thức như hệ thống pháp luật về tài chính xanh còn sơ khai. Các NHTM chưa có bộ phận riêng chuyên trách về tín dụng xanh; lượng vốn tín dụng xanh khá lớn trong khi hiệu quả tài chính chưa cao; chưa phát triển trái phiếu doanh nghiệp và các công cụ nợ xanh; ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp và người dân về bảo vệ môi trường và phát triển tài chính xanh, tiêu chuẩn ESG còn hạn chế... Theo Công ty Tư vấn chuyên về đầu tư bền vững RobecoSAM, Việt Nam là một trong 10 nước có chỉ số ESG thấp nhất.

Cần giải pháp chiến lược

TTTC Việt Nam đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ và sức chịu đựng ngày càng được tăng cường, song triển vọng phát triển phụ thuộc khá lớn vào vào sự phục hồi của nền kinh tế và TTTC toàn cầu, sự ổn định, bền vững của niềm tin nhà đầu tư trên thị trường. Vì vậy, để có thể vừa chủ động nắm bắt cơ hội, triển vọng phát triển, vừa phòng ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững, cần có những giải pháp chiến lược.

Cần căn cứ tình hình thực tiễn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí đối với doanh nghiệp. Ảnh: Quốc TuấnCần căn cứ tình hình thực tiễn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí đối với doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần thường xuyên nghiên cứu, dự báo, bám sát diễn biến thị trường để cập nhật, điều chỉnh các kịch bản điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng. Cần chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết nghiệp vụ thị trường mở với kỳ hạn, khối lượng, lãi suất hợp lý và chuẩn bị các phương án hỗ trợ khi cần thiết để đảm bảo thanh khoản thị trường thông suốt, cung ứng vốn kịp thời, giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng phải chủ động cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.

Cần căn cứ tình hình thực tiễn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, phía cơ quan quản lý Nhà nước nên tiếp tục rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ngoài ra, cơ quan chức năng phải tiếp tục hỗ trợ TTCK, củng cố niềm tin cho các bên tham gia thị trường. Theo đó, cần có hướng dẫn, quy định để cụ thể hoá gói hỗ trợ kép của Chính phủ bao gồm cả tài khóa và tín dụng theo cơ chế tác động san sẻ rủi ro giữa các thành phần kinh tế. Điều đó sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư tin vào nội lực của nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ cũng như sức bền của thị trường.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa đó là tích cực, chủ động tháo gỡ các rào cản, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do tác động từ đại dịch COVID-19, bức tranh đầu tư nước ngoài đã thay đổi. Năm 2020, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn FDI, lần đầu tiên nước ta lọt vào top 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy cần coi đây là một cơ hội sàng lọc hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam để hướng tới chiều sâu hiệu quả lan tỏa với nền kinh tế trong dài hạn.

Lê Vũ Thanh Tâm - Viện Kinh tế Tài chính
Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam
Link bài viết gốc