Tâm lý thị trường không còn ảnh hưởng lớn đến điều hành tỷ giá
Các chuyên gia nhận định tỷ giá USD-VND biến động ở mức 10% vào cuối năm 2022.

Sau giai đoạn ổn định, đến đầu năm 2022, tỷ giá USD/VND đón nhận những đợt sóng lớn trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động khó lường. Đặc biệt, Fed và các ngân hàng trung ương lớn nhiều lần tăng lãi suất điều hành nhằm kiểm soát lạm phát tăng cao kỷ lục. Đồng USD tăng giá ở mức cao nhất 20 năm khiến nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá tới 30-40% so với USD.

Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước, vốn đầu tư gián tiếp cũng rút ròng ra khỏi Việt Nam do các nhà đầu tư cảm nhận được sức ép đối với tỷ giá hối đoái của Việt Nam lớn hơn và không đạt được kỳ vọng của họ. Các chuyên gia tại buổi đối thoại trên cho rằng nếu các nhà đầu tư chuyển lợi nhuận về nước, mang USD về nước mẹ bán lãi ngay vài chục % thì không có lý do gì khiến họ để lại lợi nhuận ở Việt Nam. Bởi vậy, Việt Nam phải chấp nhận thực tế này và coi đó là chuyện bình thường.

NIỀM TIN THỊ TRƯỜNG ĐƯỢC CỦNG CỐ

Bình luận về hiện tượng găm giữ USD giai đoạn 2009-2011, TS.Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh nhắc đến lý thuyết bộ ba bất khả thi.

Ở thời điểm 2009–2011, nhà điều hành đưa ra cam kết về tỷ giá, ví dụ năm nay sẽ biến động không quá 2%, theo đó, duy trì chính sách tỷ giá cố định. Không chỉ Việt Nam mà khi đó nhiều nước đang phát triển cũng áp dụng chính sách tỷ giá cố định.

Các chuyên gia tham dự đối thoại của VnEconomy từ điểm cầu TP.HCM. Ảnh: Hồng Vinh.

Các chuyên gia tham dự đối thoại của VnEconomy từ điểm cầu TP.HCM. Ảnh: Hồng Vinh.

“Khi mà chính phủ các nước thực hiện chính sách tỷ giá cố định quá lâu, phải bán dự trữ ngoại tệ để ổn định tỷ giá, đến lúc cạn dự trữ ngoại hối. Khi cạn dự trữ, không có khả năng neo tỷ giá cố định mà buộc phải phá giá đồng nội tệ... thì quá muộn”, TS.Nguyễn Hữu Huân nói.

Ông Huân cũng nhấn mạnh: “Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho các cú sốc với nền kinh tế. Dự trữ ngoại hối dồi dào hơn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có kinh nghiệm điều hành trên “mặt trận” tỷ giá. Do đó, yếu tố tâm lý trước đây ảnh hưởng rất lớn tới thị trường thì bây giờ nhẹ nhàng hơn do thị trường đã có niềm tin với nhà điều hành”.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hiện tượng găm giữ ngoại tệ nếu có chỉ là cục bộ và không ảnh hưởng lớn đến điều hành tỷ giá. Từ năm 2015, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển sang cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm dựa trên 3 yếu tố.

Một là sự thay đổi tỷ giá hối đoái bình quân trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng.

Hai là sự thay đổi tỷ giá hối đoái của các đối tác thương mại lớn với nước ta.

Ba là các chỉ số vĩ mô như mua bán, vay, trả nợ hay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Trung đánh giá cơ chế này giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động, linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá… giảm phụ thuộc vào tâm lý thị trường.

NHIỀU YẾU TỐ KHÓ LƯỜNG

Theo đánh giá của các chuyên gia, áp lực tỷ giá đang dịu dần nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn không thể chủ quan.

Ở chiều tích cực, có thể thấy lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ giảm khá nhanh dù vẫn neo ở mức cao. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của đồng USD cũng ghi nhận giảm từ đỉnh. Điều quan trọng hơn, nếu Mỹ kéo dài tình trạng đồng USD tăng giá như hiện nay thì kinh tế của Mỹ cũng đối diện nhiều áp lực. USD đắt ảnh hưởng rất xấu đến cán cân thương mại của Mỹ.

Do đó, các chuyên gia đánh giá sớm muộn gì Mỹ cũng phải tìm cách hạ chỉ số USD xuống bằng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp giảm mức độ tăng lãi suất. Chuyên gia dự báo trong đợt tăng lãi suất gần nhất Mỹ có thể tăng lãi suất 0,5% và kỳ sau có thể 0,25%.

Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại chuyên đề “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Các diễn giả trao đổi tại Đối thoại chuyên đề “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/ VnEconomy tổ chức. Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Đối với Việt Nam, FDI đăng ký mới thì giảm nhưng FDI giải ngân trong 10 tháng năm 2022 lại tăng tới 15% so với năm ngoái.

Tỷ giá hối đoái tăng thì xuất khẩu cũng có lợi. Thặng dư thương mại 10 tháng đạt hơn 9,4 tỷ USD, góp phần làm cho cán cân thanh toán ngoại tệ có thể dương trở lại sau một quý âm. Kiều hối cuối năm có thể tăng lên. Cộng thêm những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong bình ổn tỷ giá hối đoái sẽ giúp cán cân ngoại tệ ổn định.

Chuyên gia cho rằng những yếu tố trên có thể tạo cơ hội để giữ cho được tỷ giá hối đoái biến động ở mức 10% vào cuối năm nay. Tuy nhiên tỷ giá còn đối diện với nhiều áp lực nằm ngoài kiểm soát của Việt Nam.

Bên cạnh động thái của Fed còn phải kể đến diễn biến phức tạp của giá hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trên thế giới. Đơn cử như giá năng lượng ở châu Âu. Giả sử mùa đông ở châu Âu kéo dài sang tháng 1/2023, giá năng lượng tăng cao… lập tức lạm phát ở các quốc gia này tăng cao. Đồng tiền của họ lại mất giá. Lúc đó chúng ta cũng bị ảnh hưởng.

Các chuyên gia lưu ý các cơ quan quản lý cần nhìn sâu vào cán cân vãng lai thời gian qua. Mặc dù cán cân hàng hóa trong 10 tháng năm 2022 dương nhưng cán cân dịch vụ lại âm, thậm chí âm rất mạnh.

Tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị làm rõ dự báo mức thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng cuối năm 2022 lên tới 5,5 tỷ USD và nhận định dấu hiệu suy giảm xuất khẩu đang trở nên rõ nét hơn trong thời gian gần đây.

Trong quý 3/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và nhưng giảm 0,5% so với quý 2/2022. Đây là dấu hiệu của suy giảm xuất khẩu thời gian sắp tới.

Hoàng Lan
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc