Tăng trưởng kinh tế tiếp đà tích cực
Bức tranh kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục được hoàn thiện, với gam màu sáng chiếm ưu thế chủ đạo.
Bức tranh màu sáng
Thay mặt Chính phủ ký báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội gửi tới Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sau khi viện dẫn một loạt con số như tăng trưởng GDP quý I ước tăng 5,03%; sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 7,5% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 12,1% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước…, đã nhấn mạnh xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
“Những kết quả này đã tạo niềm tin vào các chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kỳ vọng tăng trưởng tiếp tục đà tích cực trong những tháng còn lại của năm 2022”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.
Nhưng không chỉ là “kỳ vọng”, các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 đã chứng minh rằng, nền kinh tế đang thực sự tiếp tục đà tích cực. Chẳng hạn, IIP tháng 5/2022 ước tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, IIP tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy chưa trở lại với mức tăng trước Covid-19 (IIP 5 tháng các năm 2018, 2019 tăng 10,3% và 9,5%), nhưng 8,3% vẫn là một con số tích cực. Tổng cục Thống kê khi công bố chỉ số này cũng nhấn mạnh, dịch bệnh đã được kiểm soát, các doanh nghiệp đã thích ứng với bối cảnh mới, khắc phục khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Có lẽ nhờ vậy mà kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực, với 305 tỷ USD trong vòng chỉ 5 tháng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước; còn nhập khẩu ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chỉ số kinh tế quan trọng khác cũng góp phần làm sáng thêm bức tranh kinh tế Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Đó là cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn khá nhiều so với con số bình quân 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng.
Trong khi đó, thu ngân sách lũy kế đến hết tháng 5 đạt 806.400 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sự phục hồi của nền kinh tế còn có thể được nhìn thấy ở chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tháng 5, chỉ số này tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Tính chung 5 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,3%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng nếu so với mức giảm 1% của cùng kỳ năm 2021. Điều quan trọng là, sức mua phục hồi sẽ tạo động lực để các ngành kinh tế, bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
Góc khuất xám màu
Dù bức tranh kinh tế 2022 đang phát lộ những điểm tích cực, nhưng góc khuất xám màu, quan ngại về những thách thức, rủi ro của nền kinh tế vẫn hiện hữu. Thậm chí, một cách thẳng thắn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khi nhận định về tình hình kinh tế - xã hội 2022, còn luôn nhấn mạnh rằng, rủi ro, thách thức tiềm ẩn còn lớn hơn cả những điểm thuận lợi.
“Phục hồi” chính là cụm từ được Tổng cục Thống kê nhắc đến rất nhiều trong các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội các tháng kể từ đầu năm tới nay và tiếp tục được nhấn mạnh trong kỳ báo cáo lần này. |
Tuần trước, sau phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã có các cuộc thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, chuẩn bị cho cuộc thảo luận tại hội trường, dự kiến diễn ra hôm nay (1/6). Tại cuộc thảo luận đó, nhiều ý kiến bày tỏ mối lo về áp lực lạm phát trong năm nay, về những rủi ro, điểm yếu của nền kinh tế khi bối cảnh địa chính trị thế giới hiện nay rất phức tạp, có thể ảnh hưởng khôn lường tới kinh tế Việt Nam.
Thậm chí, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các gói kích thích kinh tế, đầu tư công phải được thúc đẩy tốt hơn nữa để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. “Đừng để lạm phát cuốn trôi người nghèo”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói. Trước đó, chính ông đã nhắc đến sự “bất thường” khi mà tăng trưởng kinh tế thấp, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn, song thu ngân sách lại tăng cao.
Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân (đại biểu Quốc hội TP.HCM) bày tỏ sự lo lắng khi xung đột Nga - Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, lại cộng thêm chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc có thể gây đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá các loại nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao, gây khó cho doanh nghiệp và gây khó cho cả nền kinh tế.
Nhận định của các chuyên gia kinh tế và các cơ quan hoạch định chính sách cũng nhắc rất nhiều tới các “biến số” trên. Sau Covid-19, đây chính là những biến số lớn có thể khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu và của cả Việt Nam bị kéo chậm lại.
Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm cũng đã bắt đầu “phát lộ” rõ hơn các thách thức này. Chẳng hạn, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tiếp tục tăng 0,38% so với tháng trước, khiến CPI bình quân 5 tháng đã tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Với mức tăng này, nhiều khả năng, lạm phát năm nay sẽ bị đẩy lên quanh ngưỡng 4%, thậm chí cao hơn.
Trong khi đó, thương mại hàng hóa đã phát lộ các yếu tố bất lợi, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Ngay cả sản xuất công nghiệp tuy phục hồi tích cực, song ở một số địa phương, IIP vẫn tăng thấp hoặc giảm do hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, với đầu tàu kinh tế TP.HCM, IIP 5 tháng chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ…
Một con số khác khiến nhiều đại biểu Quốc hội cũng lo lắng, đó là sau 5 tháng, giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp, chỉ đạt 22,37% và nói như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là vẫn còn tình trạng “đầu năm thủng thẳng”.
Trong khi đó, Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội triển khai còn chậm. Điều này có thể gây thách thức tới mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay.