Thanh tra Bộ Tài chính: Kiến nghị xử lý tài chính hơn 27.000 tỷ đồng
6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính thực hiện 27.675 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý về tài chính 27.294 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 2.801 tỷ đồng…
Thông tin tại hội nghị Sơ kết công tác thanh tra tài chính 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 do Thanh tra Bộ Tài chính vừa tổ chức, trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 27.675 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 282.043 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 5.239 vụ.
Từ đó, kiến nghị xử lý về tài chính 27.294 tỷ đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách Nhà nước 2.801 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Tài chính có nhiều kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính ngân sách, tiền, tài sản nhà nước. Đồng thời, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành tài chính ngân sách và cơ chế chính sách đặc thù của các ngành, lĩnh vực. |
Riêng Thanh tra Bộ Tài chính đã kịp thời triển khai 08 cuộc thanh tra theo kế hoạch và tổng hợp kết quả của 09 kết luận thanh tra, kết quả kiểm tra năm 2020 chuyển sang. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý tài chính 5.026 tỷ đồng. Các đơn vị được thanh tra đã thực hiện nộp ngân sách Nhà nước 101 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thanh tra Bộ cũng tiếp nhận 1.741 đơn thư khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh.
Bộ Tài chính tổ chức tiếp công dân tại trụ sở với 269 lượt với 273 người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra tài chính trong những tháng còn lại của năm 2021, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã nêu lên phương hướng thực hiện nhiệm vụ năm 2021.
Cụ thể, tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 đã được phê duyệt. Thực hiện rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho cán bộ công chức và hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp phòng, chống dịch bệnh và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bố trí lực lượng, tổ chức triển khai có hiệu quả, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2021 và những nhiệm vụ đột xuất được giao. Bố trí lực lượng dự phòng trong trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, của lãnh đạo Bộ. Thực hiện tốt cơ chế giám sát Đoàn thanh tra để đảm bảo phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thanh tra, kiểm tra.
Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp giữa Thanh tra Bộ với các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ trong việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra. Triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực.
Kịp thời điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra, cũng như phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2022 được kịp thời và đúng đối tượng.