Thủ tướng: Cần tính toán, đàm phán lại giá điện gió, điện mặt trời
Sáng 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác Chính phủ đã tới khảo sát các dự án điện gió ven biển tại huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu; làm việc với tỉnh Bạc Liêu, các nhà đầu tư về phát triển năng lượng tái tạo tại Bạc Liêu và Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió, điện mặt trời vì đây là nguồn năng lượng sạch, không phải mua và không ai có thể lấy đi.
Trao đổi với Thủ tướng, đại diện các nhà đầu tư cho rằng giá điện tại Việt Nam cần phải cạnh tranh được với các nước để thu hút các nhà đầu tư.
Đồng tình với quan điểm này, song Thủ tướng phân tích về vấn đề điện, phải xem xét tổng thể cả 5 yếu tố gồm: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện phải ở mức người dân chịu được.
Thủ tướng cho biết những năm qua, Việt Nam có cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời, nhưng giá không hợp lý, dẫn tới tình trạng "đua nhau làm" điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng tới cân đối cung cầu; có tình trạng mua giá điện mặt trời, điện gió với giá cao, trong khi giảm mua thủy điện với giá thấp.
Những năm trước, khi công nghệ chưa phát triển, giá điện gió, điện mặt trời ở thời điểm đó có thể là phù hợp để khuyến khích nhà đầu tư, nhưng hiện nay giá điện gió ở Việt Nam đang cao hơn so với thế giới và so với các nguồn điện khác. Trong khi công nghệ điện tiến bộ rất nhanh và đến nay chi phí sản xuất đã giảm nhiều. Mặt khác, các nhà đầu tư không đầu tư hệ thống truyền tải mà Nhà nước phải đầu tư với kinh phí lớn.
Các nhà đầu tư điện tái tạo đang có lãi cao, trong khi Nhà nước, người dân Việt Nam phải chịu giá điện cao, do đó phải xem xét lại về giá điện, đàm phán lại về các dự án điện gió đã triển khai, tìm giải pháp phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư, nhà nước, người dân để hợp tác bền vững, hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương phải nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về điện gió, điện mặt trời. Các bên liên quan đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực, hỗ trợ vốn, kêu gọi các nhà đầu tư, sản xuất thiết bị trong nước, phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
"Phải tất cả cùng thắng hoặc hòa. Nếu Nhà nước, người dân có lợi mà nhà đầu tư chịu thiệt thì không ai làm. Nếu nhà đầu tư có lãi, Nhà nước bù lỗ, người dân chịu giá cao thì không tồn tại được. Chúng ta nhất quán quan điểm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, giữ môi trường pháp lý ổn định nhất nhưng cái gì không hợp lý thì phải điều chỉnh, chúng ta làm vì lợi ích quốc gia, dân tộc", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư, địa phương nghiên cứu tổ chức mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn, "trên phát điện gió, kết hợp sản xuất hydrogen, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản...".
Thủ tướng hy vọng với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; với các đề nghị của Thủ tướng được thực hiện, tất cả các bên cùng thắng, công nghiệp điện gió Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh, bền vững./.