Thủ tướng: "Lúc khó khăn này không tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp thì lúc nào?"
Thủ tướng chỉ đạo các địa phương, bộ ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện, cơ hội thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận chính sách và giải quyết các công việc, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời đống của nhiều tầng lớp nhân dân...
Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Thủ tướng đã cùng các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2021 trên tinh thần "5 thật" (nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật).
Về kết quả 6 tháng đầu năm, hội nghị phân tích các nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, đánh giá tình hình và góp ý kiến về các mục tiêu, giải pháp, nhiệm vụ trong báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ.
KINH NGHIỆM "CHỐNG DỊCH NHƯ CHỐNG GIẶC" TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều đánh giá rất cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh “vạn sự khởi đầu nan” ngay khi Chính phủ vừa kiện toàn, “khó khăn trăm bề” thời gian qua.
Các địa phương nhất trí cao với báo cáo và dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, nhất là về các bài học kinh nghiệm được rút ra và 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các địa phương đều ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật và khen thưởng nghiêm minh để phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, linh hoạt của cấp dưới, huy động mọi nguồn lực phát triển.
Chia sẻ các kinh nghiệm tốt trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc, khoa học, bài bản, sáng tạo các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia.
Đầu cầu Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự Hội nghị tại đầu cầu TPHCM - Ảnh: VGP
Bà Thúy Lan khẳng định Vĩnh Phúc không coi không xem quan điểm “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ là một khẩu hiệu mà còn là mệnh lệnh, một căn cứ pháp lý để UBND tỉnh ban hành quyết định chuyển trạng thái sang tình trạng khẩn cấp, từ đó đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, áp dụng các biện pháp phù hợp tình hình.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết tỉnh đã kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp vừa sản xuất, vừa chống dịch tại các nhà máy, khu công nghiệp. Nhờ đó, nhiều chỉ số kinh tế hết sức tích cực, tăng cao so với năm ngoái. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh đã tiêu thụ tốt 215.000 tấn vải thiều với tổng doanh thu khoảng 6.800 tỷ đồng.
"Có được điều này là nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Thủ tướng Chính phủ hằng ngày gọi điện chỉ đạo sát sao. Mọi khó khăn, vướng mắc mà tỉnh nêu ra đều được các bộ, nhất là Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an giải quyết rất nhanh. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các địa phương khác và sự ủng hộ của nhân dân cả nước", Bí thư tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan chia sẻ kinh nghiệm “vừa chống dịch, vừa sản xuất” tại các nhà máy, khu công nghiệp, gắn với vai trò, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, chủ nhà trọ và người lao động đồng hành với các cấp chính quyền.
Tỉnh Bắc Ninh kiến nghị các bộ ngành một số nội dung như đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại sau dịch; đơn giản hóa các thủ tục trong hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ theo thỏa thuận giữa Bắc Ninh, Bộ Công Thương và Samsung…
4 BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cũng nhấn mạnh cả nước đã và đang thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Về an sinh xã hội, quan trọng nhất là không có ai ở bất cứ nơi nào thiếu ăn, thiếu mặc, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Những kết quả, thành tựu tích cực đó đã góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Không được phép bi quan, sợ sệt, ngược lại, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, đúng hướng, hiệu quả hơn. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, khẳng định, trưởng thành và phát triển. THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH |
Tuy nhiên, tăng trưởng GDP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng còn chậm, nhất là vốn ODA. Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TPHCM, một số tỉnh Đông Nam Bộ và miền Trung. Sản xuất kinh doanh, đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn.
Thủ tướng lưu ý, những thành tựu, thành tích là cơ bản, nhưng không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi, “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như nhắc nhở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thủ tướng nhận thời gian qua một số địa phương, cơ quan đơn vị và một bộ phận người dân đã chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lúc chưa có dịch bệnh và khi dịch đi qua; mất bản lĩnh, lúng túng, hoảng hốt khi có dịch, đưa ra biện pháp không phù hợp, thiếu hiệu quả, thậm chí cực đoan. Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách còn lúng túng, chưa quyết liệt.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng công tác huy động các nguồn lực trong nhân dân, trong xã hội và doanh nghiệp chưa được thực hiện hiệu quả.
Dựa trên những phân tích này, Thủ tướng nhấn mạnh 4 bài học kinh nghiệm với các địa phương.
Toàn cảnh hội nghị ở đầu cầu Chính phủ - Ảnh: VGP
Trước hết, phải biết kế thừa những thành quả, kết quả, kinh nghiệm của những người đi trước, các nhiệm kỳ trước, các năm trước, trên tinh thần kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển.
"6 tháng đầu năm 2020, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm phòng chống dịch nên tăng trưởng GDP không cao như năm nay và 6 tháng đầu năm nay, nhờ kế thừa các bài học từ năm ngoái, chúng ta đã nỗ lực, điều chỉnh để đạt kết quả tốt hơn", Thủ tướng cho biết.
Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công. THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH |
Bài học thứ hai là càng khó khăn, phức tạp càng phải giữ vững, củng cố đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nội bộ, trong nhân dân và đoàn kết giữa các địa phương.
Thủ tướng nhắc lại việc cả nước hỗ trợ Hải Dương phòng chống dịch và ngày hôm qua, hơn 300 cán bộ, sinh viên từ Hải Dương đã vào chi viện cho TPHCM chống dịch.
Bài học thứ ba là phải nêu gương của người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sát tình hình thực tế, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, truyền cảm hứng, tạo động lực cho cấp dưới.
Theo Thủ tướng, dự báo tình hình thời gian tới, thuận lợi, thời cơ sẽ đan xen với khó khăn, thách thức, nhưng phải xác định khó khăn, thách thức lớn hơn nhiều so với thuận lợi và thời cơ.
"Không được phép bi quan, sợ sệt, ngược lại, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực lớn hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, mạnh mẽ, đúng hướng, hiệu quả hơn. Lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vượt qua, khẳng định, trưởng thành và phát triển", Thủ tướng quán triệt.
KIÊN ĐỊNH "MỤC TIÊU KÉP", TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO NGƯỜI DÂN, DOANH NGHIỆP
Tại hội nghị, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ về việc chưa thay đổi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, Đại hội đảng các cấp đã xác định, Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp đã giao.
Trên cơ sở đó và căn cứ 2 kịch bản tổng thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng (tăng trưởng GDP cả năm 6% theo kịch bản 1 và 6,5% theo kịch bản 2), các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện tích cực, chủ động, phù hợp.
"Kiên quyết, kiên trì thực hiện mục tiêu kép dù đây là lựa chọn rất khó khăn, không có cách nào khác, chống dịch tốt để phát triển kinh tế - xã hội và phát triển kinh tế để có điều kiện chống dịch thành công", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh các nhiệm vụ trong thời gian tới mà các địa phương phải tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.
Trước hết, những nơi đang có dịch phải ưu tiên cho nhiệm vụ chống dịch, phát hiện sớm, cách ly nhanh, khoanh vùng dập dịch tích cực, nhanh chóng ổn định tình hình, phải xác định trọng tâm trọng điểm vì nguồn lực, thời gian đều có hạn. Thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.
Thứ hai, Bí thư, Chủ tịch UBND các địa phương phải tập trung rà soát ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách. Thủ tướng nhắc nhở các cơ quan, đơn vị chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ này và cho biết sẽ tiếp tục nhắc nhở, phê bình và xử lý nghiêm theo quy định.
Thứ ba, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện, cơ hội thuận tiện nhất cho người dân tiếp cận chính sách và giải quyết các công việc.
“Trong lúc khó khăn này mà không tháo gỡ cho người dân và doanh nghiệp thì lúc nào?”, Thủ tướng đặt câu hỏi với lãnh đạo các địa phương.
Thứ tư, hết sức năng động, sáng tạo, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu, không để đứt gãy thị trường lao động.
Thứ năm, thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo Nghị quyết của Chính phủ, lãnh đạo các địa phương phải vào cuộc kiểm tra, đôn đốc, xác định rõ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế, bất cập, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất.
Thứ sáu, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, bối cảnh hiện nay là thời cơ để thực hiện việc này.
Thứ bảy, mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, vừa qua một số tỉnh đã làm rất tốt công tác này, các địa phương cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tham khảo, học hỏi lẫn nhau để làm tốt hơn.
Thứ tám, có giải pháp tăng thu, giảm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên, cấp bách.
Thứ chín, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, càng lúc này càng phải gần dân hơn, hành động quyết liệt hơn.
Thứ mười, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để người dân an tâm cùng các cấp chính quyền thực hiện tốt mục tiêu kép, “không để người dân đã lo lắng về sức khỏe, dịch bệnh lại phải lo về an ninh, an toàn”.
Mười một, các cấp chính quyền phải coi trọng hơn nữa công tác thông tin – tuyên truyền, vận động nhân dân, không để xảy ra khủng hoảng truyền thông, chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thù địch, các thông tin sai trái, sai sự thật.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo và Nghị quyết, trình Thủ tướng ký ban hành để sớm tổ chức thực hiện có hiệu quả trên cả nước.