Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tập trung tái cơ cấu tài chính Dự án Đạm Ninh Bình
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo khẩn trương tái cơ cấu nợ vay đối với Dự án Đạm Ninh BÌnh chiều 13/8. (Ảnh: VGP).

Chiều 13/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã về Ninh Bình, kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho dự án Đạm Ninh Bình, một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém, những dự án thua lỗ, kéo dài.

Đến nay, một số vấn đề đã được xử lý như một số tổ chức tín dụng yếu kém, nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Sông Hậu 1, đường sắt Cát Linh-Hà Đông…

Trong số 12 dự án yếu kém của ngành công thương, đã có 5 dự án có phương án xử lý, còn lại 7 dự án cần tiếp tục xử lý, trong đó có dự án Đạm Ninh Bình.

Mới nhất, ngày 7/8, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp xem xét phương án xử lý Dự án Đạm Ninh Bình.

Nhà máy Đạm Ninh Bình do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 667 triệu USD từ nhiều nguồn vốn (vốn tự có, vốn vay, vốn hỗ trợ của địa phương…); sử dụng nhiều loại công nghệ.

Khởi công tháng 5/2008, từ khi đi vào hoạt động năm 2012, Nhà máy Đạm Ninh Bình liên tục thua lỗ (lỗ hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 2.500 tỷ đồng). Đến ngày 31/12/2021, Nhà máy còn nợ 12.000 tỷ đồng, trong đó nợ gốc khoảng 9.600 tỷ đồng, nợ lãi khoảng 2.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, từ năm 2021, hoạt động của nhà máy đã có chuyển biến tích cực hơn. 6 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đã hoạt động có lãi.

Tai buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ những hạn chế, khó khăn của Đạm Ninh Bình do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, thực hiện dự án, khiến tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.

"Giải quyết tranh chấp hợp đồng EPC; tổ chức sản xuất kinh doanh để không thua lỗ (như tái cơ cấu tài chính, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất lao động…), giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh; giải quyết vấn đề môi trường trong và ngoài nhà máy, ổn định việc làm, nâng cao đời sống người lao động; ổn định nguồn cung than cho nhà máy", Thủ tướng chỉ đạo.

Các ý kiến tại cuộc làm việc cũng đánh giá, dự báo sắp tới, nhà máy có thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài nước khi nhu cầu urea tăng cao, đồng thời, nhà máy đã tích lũy được các kinh nghiệm vận hành, sản xuất, kinh doanh.

Do đó, nếu có thể tái cơ cấu, xử lý các khó khăn, vướng mắc, đổi mới công nghệ, quản trị… thì từ năm  2023, dự án có thể có lãi. 

Về các nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án xử lý các vấn đề của dự án theo phương án tái cơ cấu tài chính, trong đó tập trung tái cơ cấu nợ vay, khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 8/2022.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp tục trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng đề án này.

Cùng với đó, giải quyết nhanh tranh chấp hợp đồng EPC với đối tác nước ngoài. Tiếp tục tổ chức lại hoạt động, kinh doanh, sản xuất, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, tiết giảm chi phí để giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

Thủ tướng cũng lưu ý nhiệm vụ ổn định công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho khoảng 1.000 công nhân của Nhà máy.

Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra vào cuộc xử lý, làm rõ các vấn đề theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thế Hải
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc