Thúc ngân hàng thương mại triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%

Trên 16.000 tỷ đồng sẽ được ngân sách hỗ trợ lãi suất 2% riêng năm 2022

Theo báo cáo của NHNN, đến nay, các ngân hàng thương mại đã hoàn thành đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất, NHNN đã tổng hợp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền để giao bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2022 (gần 16.035 tỷ đồng), bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2023 (trên 23.965 tỷ đồng), đồng thời NHNN cũng đã có Thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến năm 2022 tới từng ngân hàng thương mại để triển khai sớm chính sách.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, việc triển khai các chính sách hỗ trợ hiện nay không chỉ trong bối cảnh nền kinh tế còn chịu tác động từ đại dịch, mà còn phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, khi nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ để ứng phó lạm phát. Do đó, NHNN cũng như các bộ, ngành đã phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Với các nhiệm vụ được giao, theo lãnh đạo NHNN, NHNN đã triển khai ban hành văn bản, hướng dẫn kịp thời tới các ngân hàng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Việc hỗ trợ lãi suất đã được các ngân hàng thương mại triển khai nhanh chóng, nhất là ngân hàng thương mại nhà nước.

Ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết Agribank đã ban hành 4 văn bản để chỉ đạo triển khai hướng dẫn và tập huấn cho 24.000 cán bộ có liên quan, đặc biệt quán triệt nghiêm cấm cảnh báo đến toàn hệ thống vi phạm trục lợi chính sách trong quá trình triển khai chính sách.

“Thực tế khi triển khai, toàn hệ thống Agribank cũng rất lo lắng, vì gói trợ trước đến giờ vẫn chưa giải quyết xong những tồn tại cũ. Trong khi triển khai chính sách có rất nhiều vấn đề thực tiễn xảy ra,” ông Ấn chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Agribank, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% của Chính phủ rất phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khách hàng của Agribank chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhỏ lẻ, hầu như không có đăng ký kinh doanh, vì vậy hồ sơ thường không đủ giấy tờ để chứng minh. Tuy vậy, với sự hướng dẫn sát sao của NHNN và Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Agribank tin tưởng sẽ giải quyết được các vấn đề phát sinh, nhanh chóng triển khai hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, hộ gia đình, HTX.

Trình bày báo cáo hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chia sẻ, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước. NHNN cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại; thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các ngân hàng thương mại.

Gỡ vướng về quyết toán, đối tượng giải ngân cho các ngân hàng

Điều kiện thứ nhất là các ngành nghề đăng ký kinh doanh thuộc nhóm đối tượng quy định trong Nghị định 31, thứ hai là mục đích vay vốn cũng phải để phục vụ các dự án thuộc các ngành nghề được quy định trong Nghị định.

Ngoài ra nhóm khách hàng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ) cũng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2%.

Các khoản vay được hỗ trợ lãi suất còn phải đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích. Đặc biệt, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo các chính sách khác.

Về quyết toán, một số ngân hàng thương mại lo ngại một số khoản vay có thể không được quyết toán do vướng mắc thủ tục. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, khác với các chính sách trước, các quy định về hỗ trợ lãi suất 2% lần này có thêm quy định về kiểm toán hàng năm, cũng như có quy định về thẩm định của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng, giúp quá trình thanh quyết toán nhanh chóng.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, các bộ ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ triển khai kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

“Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 31,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan để kịp thời giải đáp vướng mắc của các ngân hàng thương mại, thực hiện việc thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, thanh, quyết toán hỗ trợ lãi suất nhanh chóng, tạo thuận lợi tối đa cho các tổ chức tín dụng

Không lo thiếu room tín dụng để hỗ trợ lãi suất

Ông Phạm Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, nhiều ngân hàng còn quá thận trọng trong phê duyệt, một phần do một số ngân hàng đã và sắp “cạn” hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng nên cũng tác động đến tiến độ giải ngân gói vay ưu đãi, nhất là khoản vay mới.Vì thế, vị này đề xuất NHNN cần sớm xem xét nâng room tín dụng cho các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay vốn.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cũng lo ngại về vấn đề này và cho rằng, room tín dụng 6 tháng cuối năm còn ít có thể sẽ khiến việc giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% bị chậm lại.

Tuy vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng 9,35% tương đương với lượng tín dụng bơm ra nền kinh tế rất lớn, đồng nghĩa với khoản lãi mà các doanh nghiệp phải trả rất lớn. Vì vậy, việc các ngân hàng cần làm ngay là nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ lãi suất chứ không cần sợ thiếu đối tượng hỗ trợ.

Về phía các ngân hàng, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng cho rằng,hiện tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đã cao gấp đôi huy động vốn nên tạo áp lực lớn về lãi suất.

Vì vậy, nếu tín dụng tiếp tục tăng nhanh, ngân hàng đi vào “cuộc đua” tăng lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra sẽ tăng, lạm phát tăng.

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và ngân hàng, doanh nghiệp Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan nhằm thường xuyên theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai hỗ trợ lãi suất, bám sát thực tiễn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, gắn với điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất, tỷ giá…, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa hiệu quả của chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.  

TL
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc