Thủ tướng Chính phủ dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023
Sáng 19/3, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 với chủ đề Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng xanh đang điễn ra tại Hà Nội.
Đồng chủ tịch VBF 2023 sẽ phát biểu khai mạc là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Thomas Jacobs, Giám đốc quốc gia Tổ chức Tài chính quốc tế và ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
VBF sẽ có 2 phiên, phiên 1 có nội dung đồng hành cùng Việt Nam trong giai đoạn phát triển xanh; phiên 2 thảo luận vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Các phiên thảo luận nhằm hướng tới chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh” hết sức có ý nghĩa. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp xác định đây là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững; có cam kết, lộ trình cụ thể, nâng cao trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp bên cạnh việc thực hiện đầu tư kinh doanh có hiệu quả; có trách nhiệm đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn và sẽ phát biểu ý kiến chỉ đạo sau khi các bộ, ngành trả lời các ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các nhóm công tác.
Trước đó, tại phiên kỹ thuật do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì, các bộ ngành đã trao đổi về 2 nhóm vấn đề chính có tính thời sự là kinh tế xanh, phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới. Phiên kỹ thuật đã thu hút sự tham gia của hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp.
Với nội dung thứ nhất - tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, các ý kiến phát biểu chạm vào nhiều vấn đề ưu tiên trong các lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ Việt Nam đã xác định. Phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và Chính phủ Việt Nam xác định đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
“Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế, nhưng đã có bước đi sớm trong quá trình này. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, cần có sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp. Nguồn lực công - tư, khung khổ pháp lý, sự tham gia của khu vực công mở mức như thế nào để đóng vai trò quan trọng thu hút đầu tư”, thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp rất xác đáng, chạm vào những vấn đề mang tính cốt lõi, thực tiễn như đối với dự án hạ tầng các vấn đề hiện hữu hiện nay là bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ, áp dụng luật nước ngoài, chính sách đảm bảo đầu tư… Hay quan điểm với Nhóm Công tác môi trường, cần cách tiếp cận mới trong bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải chỉ là khâu nhỏ trong lộ trình thực hiện phát triển bền vững, đã đến lúc cần nghiên cứu quy định doanh nghiệp phải đáp ứng tỷ lệ tái chế nhất định…
Về nội dung thứ hai, nâng cao năng lực cạnh tranh được Chính phủ Việt Nam xác định là chiến lược quốc gia. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã làm rất nhiều việc để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thế hệ mới, tạo sân chơi rộng mở hơn, năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn; tập trung nguồn lực đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu để tăng cường kết nối, giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp…
Sau 25 năm, VBF đã thực hiện rất hiệu quả vai trò cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, nhưng còn dư địa cải tiến cách làm.
Nội dung của Phiên họp kỹ thuật đã được VBF tổng hợp, gửi tới Phiên cấp cao sáng nay.