Bảo hiểm nhân thọ chững lại, gần 500 kiến nghị gửi về đường dây nóng
Tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 4 tháng đầu năm chỉ đạt 0,5%.

Doanh thu phí chững lại

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 75.338 tỷ đồng, chỉ tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 23.289 tỷ đồng, tăng 2,55% so với cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí ước đạt 52.049 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ toàn thị trường thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước (14,5%).

Doanh thu phí ở cả hai lĩnh vực đã có sự chững lại, đặc biệt ở mảng nhân thọ. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thời gian qua ghi nhận nhiều sự vụ đáng chú ý, tác động trực tiếp gây suy giảm niềm tin của thị trường.

Như vụ việc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của diễn viên Ngọc Lan, sau 3 tuần kể từ buổi livestream, số lượng thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội cao gấp đôi lượt thảo luận liên quan đến ngành bảo hiểm từ năm 2020 đến năm 2022. Cụ thể, theo thống kê của YouNet Media, có hơn 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội, về livestream của diễn viên Ngọc Lan và các sự kiện liên quan. Trong khi đó, 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ 2020 đến 2022 cũng chỉ thu hút tổng cộng hơn 410.000 thảo luận, bằng chưa đến ½ riêng khủng hoảng lần này.

Sau khi nhận được các thông tin và các đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân về hoạt động bảo hiểm, Bộ Tài chính cũng đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng từ ngày 21/2/2023. Kết quả đến ngày 25/4, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email. Trong đó, Bộ Tài chính phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance).

Tổng tài sản doanh nghiệp bảo hiểm đạt 849.411 tỷ đồng, tăng mạnh chi bồi thường

Cũng theo thông tin từ Bộ Tài chính, trái ngược với sự chững lại của doanh thu phí, chi trả quyền lợi bảo hiểm 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 23.521 tỷ đồng, tăng 20,71% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 7.417 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.104 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 4/2023, quy mô tổng tài sản của các công ty bảo hiểm ước đạt 849.411 tỷ đồng, tăng 14,18% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, quy moo các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 118.871 tỷ đồng. Tài sản doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 730.540 tỷ đồng. 

Nguồn vốn chủ sở hữu đạt 179.421 tỷ đồng, tăng 13,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 38.066 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 141.355 tỷ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 552.325 tỷ đồng (tăng 12,71% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 33.923 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 518.402 tỷ đồng.

Như vậy, vốn tự có của các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp khoảng hơn 20% nguồn vốn của nhóm này. Dư phòng nghiệp vụ bảo hiểm đóng góp tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế 708.373 tỷ đồng, tăng 14,41% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 65.557 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 642.816 tỷ đồng.

Tùng Linh
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc