“Biến động ngược chiều giữa hai đồng tiền Euro và USD: Tác động đến Việt Nam”
Cả thế giới ngỡ ngàng với hiện tượng lần đầu tiên sau 20 năm, từ chỗ giá trị cao hơn khoảng 20% thì ngày 13/7 vừa qua, 1 Euro đổi chưa được 1 USD. Với độ mở kinh tế rất lớn, tác động của diễn biến này ra sao đến thương mại cũng như vay nợ của Việt Nam trong giao dịch đồng Euro đến nay vẫn chưa có những nghiên cứu và báo cáo đầy đủ..
Mặc dù chiếm 1/5 dự trữ ngoại hối thế giới và được xem là “đối trọng” của đồng USD, thế nhưng, đồng Euro đang rơi vào vòng xoáy mất giá kể từ năm 2002.
Theo đó, vào ngày 13/7, giá 1 Euro chưa đổi được 1 USD và tính chung 1 năm qua, dưới áp lực từ nguy cơ suy thoái kinh tế và khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, đồng Euro đã giảm giá khoảng 19% so với USD.
Trong khi đó, đồng USD còn hưởng lợi từ vai trò “vịnh tránh bão” và có lợi thế lãi suất khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi trước Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Có thời điểm, chỉ số đo sức mạnh đồng USD (Dollar Index) đạt mức cao nhất của 20 năm.
Sự biến động ngược chiều giữa 2 đồng tiền chủ chốt trong giao thương và dự trữ của thế giới tác động như thế nào đến Việt Nam, nhất là đối với cán cân thương mại, vay nợ của doanh nghiệp và Chính phủ?
Theo các chuyên gia, Việt Nam vốn là nước có độ mở nền kinh tế cao nên dễ bị tổn thương và cuốn vào vòng xoáy của những biến động bên ngoài. Điều này càng thêm nhạy cảm trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau những tác động tiêu cực nặng nề của đại dịch Covid - 19 trong hơn 2 năm qua.
Từ thực tế này, kể từ hôm nay (21/7), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy triển khai chuyên đề "Biến động ngược chiều giữa hai đồng tiền Euro và USD: Tác động đến Việt Nam". Chuyên đề tập hợp chuỗi đối thoại với chuyên gia và tuyến bài chuyên sâu, nhằm cung cấp cho độc giả góc nhìn toàn cảnh cũng như khuyến cáo từ giới phân tích đối với doanh nghiệp và hoạt động điều hành của cơ quan quản lý.
Trở lại với câu chuyện cùng ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông cho rằng Covid-19 đã gây nên những tổn hại rất lớn với kinh tế thế giới, do đó, các nước đã phải đưa ra các gói kích thích kinh tế với một liều lượng cực kỳ lớn. Với một lượng tiền rất lớn như thế được bơm ra lưu thông, đến năm 2022, dường như lạm phát đã phủ bóng khắp toàn thế giới.
Phản ứng đối với lạm phát tăng lên, các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt tiền tệ, họ dùng mọi công cụ, biện pháp để hút tiền trong lưu thông về; đồng thời, đẩy lãi suất điều hành lên cao. Và chính việc tăng lãi suất của Fed đi trước một bước và việc ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hành động muộn hơn đã khiến đồng Euro giảm giá mạnh so với USD.
Tuy nhiên, ông Phước cũng nhấn mạnh, giao dịch thương mại tại Việt Nam chủ yếu dựa vào đồng USD. Do đó, tác động của đồng Euro trên tổng thể về cán cân thanh toán không quá quan ngoại.
Đồng thời, với giao dịch vốn gồm vốn đầu tư trực tiếp, dòng vốn đầu tư gián tiếp, khoản vay nợ… ông Phước cũng không cho rằng đồng Euro chiếm một tỷ trọng lớn. Trái lại đồng USD hay Yên có tỷ trọng lớn hơn rất nhiều.
Về điều hành chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính tiền tệ, ông Phước cho rằng cần tính toán một cách dài hơi hơn.
“Trong tầm nhìn trung và dài hạn, xét về cơ cấu các đồng tiền trong thương mại, đầu tư, vay nợ, dự trữ ngoại hối…, những người làm chính sách thường xuyên theo dõi và họ sẽ điều chỉnh lại cơ cấu sao cho các giao dịch trên cán cân vãng lai luôn đảm bảo được sự ổn định, đảm bảo được sự thu hút các nguồn vốn để khai thác các lợi thế, cũng như ngăn ngừa rủi ro diễn ra”, ông Phước nói.
Mặt khác, ông Phước cũng tin rằng, nếu một đồng tiền trên thế giới biến động quá mạnh thì Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm để ứng xử. Đặc biệt, tỷ trọng của đồng tiền đó tại Việt Nam không lớn như Euro thì nhà điều hành tiền tệ chắc chắn sẽ có biện pháp ứng xử tốt nhất để không ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Tiếp nối buổi đối thoại với chuyên gia Trương Văn Phước, vào ngày mai (22/7), xin mời độc giả theo dõi buổi đối thoại tiếp theo với góc nhìn khác của TS. Võ Đình Trí, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global cũng về biến động tỷ giá, sự giảm giá của đồng Euro và những tác động đối với kinh tế Việt Nam.