Chi phí đầu vào tại Eurozone tăng kỷ lục
Dây chuyền lắp ráp mẫu xe Grandland X tại nhà máy ô tô Opel, Đức. Ảnh tư liệu: AFP

Kinh tế Eurozone bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong năm qua khi chính phủ các nước thành viên phải đóng cửa phần lớn các ngành dịch vụ trọng yếu. Tuy nhiên, phần lớn các nhà máy tại Eurozone vẫn hoạt động và các lệnh phong tỏa, biện pháp chống dịch ở một số quốc gia đã dần được nới lỏng.

Kết quả khảo sát được IHS Markit công bố hôm nay 1/6 cho thấy, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực chế tạo của Eurozone tăng lên 63,1 trong tháng 5, từ mức 62,9 trong tháng 4. Đây là con số cao nhất trong lịch sử 24 năm thực hiện khảo sát này, tính từ tháng 6/1997.

Chỉ số PMI tổng hợp được coi là chỉ dẫn sức khỏe kinh tế. PMI trên 50 cho thấy ngành/lĩnh vực đạt tăng trưởng trong kỳ khảo sát.

Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit đánh giá: "Tăng trưởng sản lượng đột biến càng củng cố dấu hiệu rằng nền kinh tế (Eurozone) đang phục hồi mạnh mẽ trong quý II".

"Tuy nhiên, tháng 5 cũng chứng kiến nguồn cung bị đình trệ kỷ lục, điều này đã kìm hãm tăng trưởng sản lượng, khiến một số nhà sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu ở một mức độ nhất định mà cuộc khảo sát chưa từng ghi nhận", ông Chris Williamson nói thêm.

Những gián đoạn do đại dịch toàn cầu đang tác động rất lớn đến chuỗi cung ứng. Chỉ số giá hàng hóa đầu vào tại Eurozone tăng vọt lên 87,1 trong tháng 5, từ mức 82,2 trong tháng 4. Đây cũng là mức cao nhất trong lịch sử và một số gánh nặng chi phí đã được chuyển sang cho nhà sản xuất.

Mặt khác, áp lực lạm phát cũng đang dồn lên vai các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, những người được cho rằng đã không quản chặt lạm phát khi nó tiến gần mục tiêu đề ra, dù sau nhiều năm áp dụng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo.

Theo kết quả thăm dò của Reuters, Eurozone dự kiến sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái kép trong quý II/2021, với áp lực lạm phát được dự đoán sẽ giảm bớt.

"Chúng tôi kỳ vọng áp lực giá cả sẽ giảm xuống khi những tác động gây gián đoạn của đại dịch giảm bớt trong những tháng tới và chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện", ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại IHS Markit cho biết.

Vật lộn giành được nguyên liệu đầu vào để đáp ứng nhu cầu hàng hóa đang bùng nổ, các nhà máy tại Eurozone không muốn trả giá, nhưng lượng công việc của họ đã ùn ứ với tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử khảo sát của IHS Markit.

Các nhà sản xuất tại Eurozone tỏ ra lạc quan và lượng việc làm tại các nhà máy cũng tăng kỷ lục khi các chương trình tiêm vaccine kháng Covid-19 tại khu vực này đang tăng tốc sau những khởi đầu chậm chạp.

Lê Quân
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc