Tổng thống Putin doạ cắt xuất khẩu và các hợp đồng với phương Tây
Một khi được triển khai, đây sẽ là sự trả đũa mạnh tay nhất của điện Kremlin đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và các đồng minh đã áp lên Nga do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine...
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/5 cảnh báo rằng ông có thể cắt xuất khẩu và các thoả thuận với phương Tây. Một khi được triển khai, đây sẽ là sự trả đũa mạnh tay nhất của điện Kremlin đối với các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và các đồng minh đã áp lên Nga do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Theo tin từ Reuters, ông Putin đã ký một sắc lệnh có phạm vi rộng lớn cấm bán hàng hoá thành phẩm và nguyên vật liệu thô của Nga cho các cá nhân và tổ chức nằm trong một danh sách trừng phạt mà ông yêu cầu Chính phủ Nga phải đưa ra trong vòng 10 ngày.
Sắc lệnh này có hiệu lực ngay khi vừa ban hành, mang lại cho Moscow sức mạnh chi phối các thị trường trên toàn cầu vì bất kỳ lúc nào Nga cũng có thể ngừng hoạt động xuất khẩu hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với cá nhân hay tổ chức bị đưa vào danh sách trừng phạt. Chính phủ Nga có 10 ngày để lên danh sách những cá nhân và tổ chức bị trừng phạt ngoài các chính trị gia phương Tây đã bị Moscow trừng phạt tính đến thời điểm này.
Ông Putin nói thẳng rằng sắc lệnh này là một sự đáp trả đối với điều mà ông gọi là hành động phi pháp của Mỹ và các đồng minh nhằm “tước đoạt các quyền về tài sản hoặc hạn chế các quyền về tài sản của nước Nga, người dân Nga và các thực thể hợp pháp của Nga”.
Sắc lệnh này mở ra “các biện pháp trả đũa kinh tế đặc biệt nhằm vào các hành động thiếu thân thiện của một số quốc gia và tổ chức quốc tế” – ông chủ điện Kremlin tuyên bố.
Kể từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” – theo cách gọi của Moscow - ở Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất trong lịch sử hiện đại đối với Nga và giới tinh hoa Nga. Ông Putin gọi những biện pháp trừng phạt này là lời tuyên chiến của một cuộc chiến tranh kinh tế.
Nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập kinh tế Nga - một trong những nước sản xuất tài nguyên lớn nhất thế giới – đã đặt nền kinh tế toàn cầu vào một tình thế chưa từng có tiền lệ, với giá cả các loại hàng hoá cơ bản tăng vọt và những cảnh báo về khan hiếm lương thực.
Về phần mình, ông Putin đã cảnh báo Moscow sẽ đáp trả tương xứng. Trước khi ông Putin ký sắc lệnh ngày 3/5, sự đáp trả mạnh mẽ nhất của Nga đối với phương Tây là cắt cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria và cảnh báo sẽ hành động tương tự đối với các quốc gia “không thân thiện” khác nếu các nước này nhất quyết không chịu thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp như yêu cầu của sắc lệnh mà ông ký hồi cuối tháng 3.
Sắc lệnh vừa ký cấm việc bán hàng hoá thành phẩm và nguyên vật liệu thô của Nga đối với các cá nhân và tổ chức mà Nga đã trừng phạt. Danh sách trừng phạt này có thể được mở rộng sau 10 ngày nữa. Sắc lệnh cũng cấm giao dịch với các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt, cho dù họ đang có hợp đồng với Nga.
Ông Putin đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ Nga bổ sung danh sách trừng phạt và xác định thêm các lĩnh vực mà giao dịch có thể bị hạn chế.
“Đây là một sắc lệnh khung”, học giả Tatiana Stanovaya thuộc Carnegie Moscow Center nhận định. “Danh sách cụ thể sẽ được Chính phủ Nga đưa ra. Đó là điểm mấu chốt mà chúng tôi đang chờ đợi”.
Do ảnh hưởng của trừng phạt, nền kinh tế 1,8 nghìn tỷ USD của Nga được dự báo sẽ rơi vào một cuộc suy thoái trong năm nay, ở cấp độ sâu nhất kể từ khi Liên Xô tan rã. Tuy nhiên, có một tín hiệu đáng mừng đối với Moscow là đồng Rúp - sau khi giảm giá kỷ lục hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 – đã tăng mạnh trở lại.
Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và nâng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), cùng yêu cầu thanh toán tiền mua khí đốt bằng Rúp mà Tổng thống Putin đưa ra, đồng Rúp Nga gần đây đã tăng lên mức cao nhất 2 năm so với đồng USD, đạt 68 Rúp đổi 1 USD vào hôm thứ Sáu tuần trước. Ở mức đáy vào hôm 7/3, phải 135 Rúp mới mua được 1 USD.
Đồng Rúp còn đang được hỗ trợ bởi việc Nga chặn đứng được nguy cơ rơi vào một vụ vỡ nợ lịch sử. Chính phủ Nga đã thanh toán được hai khoản nợ trái phiếu USD trước khi kết thúc thời gian ân hạn vào ngày 4/5.