Chiến sự Nga- Ukraine: Kinh tế Nga “ngấm đòn” trừng phạt
Dù Nga cho biết đang có khả năng chống chịu trước hàng loạt trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, nhưng các chuyên gia nhận định khoảng thời gian tới mới thực sự là thách thức với quốc gia này.
Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Phương Tây sẽ không bao giờ bóp nghẹt được nền kinh tế Nga. “Thời kỳ khó khăn đỉnh điểm nhất đối với kinh tế Nga đã qua rồi. Mọi thứ đang bình thường dần dần. Không ai có thể cô lập được nước Nga. Nền kinh tế Nga đã trải qua hơn 6 tháng chống đỡ trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây”, ông Putin nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Mỹ và phương Tây không kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra đủ đau đớn để buộc Nga chấm dứt chiến sự Nga- Ukraine trong vài tháng, thì việc kinh tế của Nga vẫn trụ được không phải một điều bất ngờ. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn đang phải chịu sự suy giảm mạnh hơn so với thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008 và mức sống người dân Nga đang được hỗ trợ bởi nguồn ngân sách sẽ khó duy trì. Điều đó có thể sẽ dẫn đến các quyết định khó khăn về ngân sách chính phủ trong năm tới.
GDP của Nga đã giảm khoảng 5% so với năm ngoái, với tốc độ suy giảm tăng lên mỗi tháng kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu. Sản xuất công nghiệp, bao gồm các ngành công nghiệp dầu khí của Nga, giảm khoảng 2% so với năm ngoái, do giá năng lượng cao. Lạm phát tăng hơn 15%, giảm so với mức đỉnh gần 18% sau khi đồng Rúp lao dốc mạnh khi chiến sự Nga- Ukraine bùng phát.
Trong khi đó, tiền lương ở Nga đang có xu hướng giảm mạnh, thấp hơn khoảng 6% so với năm ngoái. Các khoản chi trả phúc lợi xã hội như lương hưu, vốn là nguồn thu nhập chính của người cao tuổi, đã bị xói mòn bởi lạm phát kể từ khi chiến sự Nga- Ukraine bắt đầu. Đáng chú ý, doanh số bán lẻ giảm gần 10% cho thấy rằng người tiêu dùng đã bắt đầu “thắt lưng buộc bụng”…
Ngành nguyên liệu thô của Nga chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, do các biện pháp trừng phạt của phương Tây giữ cho hầu hết các mặt hàng, bao gồm dầu, được lưu thông tự do. Lượng dầu xuất khẩu của Nga về cơ bản không thay đổi kể từ khi các lệnh trừng phạt được áp dụng. Các lệnh trừng phạt buộc Nga phải bán dầu với mức chiết khấu khoảng 20 USD/ thùng so với giá chuẩn toàn cầu. Do đó, nền kinh tế Nga có được phần lớn khả năng phục hồi nhờ hoạt động buôn bán tài nguyên thiên nhiên.
Không giống như ngành năng lượng của Nga, phần còn lại của lĩnh vực công nghiệp của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ô tô, xe tải, đầu máy và cáp quang, mỗi lĩnh vực đều có sản lượng giảm hơn 50% do sự tháo chạy của các công ty Nhật Bản, Hoa Kỳ và Châu Âu khỏi Nga.
Trong khi đó ngành công nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nền kinh tế Nga. Trước đây, tình trạng sa thải lao động trong ngành này ở các thành phố đã gây ra các cuộc biểu tình lớn và bất ổn về mặt chính trị. Một nghiên cứu gần đây cho thấy một nửa trong số các thành phố này sẽ phải đối mặt trực tiếp với tác động tiêu cực do các lệnh trừng phạt.
Dầu khí đang là lực đỡ kinh tế Nga
Đặc biệt, giá dầu thế giới sụt giảm kể từ tháng 6, cộng với các khoản chiết khấu giá dầu cho các đối tác, như Ấn Độ, Trung Quốc… đã khiến doanh thu từ dầu mỏ của Nga giảm mạnh so với những tháng đầu tiên của chiến sự Nga- Ukraine.
Do đó, ngân sách của Nga đang có xu hướng thâm hụt đáng kể nếu xu hướng hiện tại tiếp diễn. Nếu quy mô thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, Nga sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã ngăn chặn khả năng phát hành trái phiếu mới của Nga cho hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ giáng một đòn nặng làm cho đồng Rúp giảm giá, đẩy áp lực lạm phát gia tăng.
Ông Chris Miller, Phó giáo sư Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho rằng hiện nay các nhà lãnh đạo của Nga có thể hài lòng vì đất nước vẫn có thể đứng vững sau 6 tháng trừng phạt của Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, trong năm tới, ngành công nghiệp Nga sẽ tiếp tục vật lộn để thích nghi với một thế giới thiếu đi linh kiện nhập khẩu của Mỹ và phương Tây, khiến ngành này suy giảm mạnh, kể cả ngành quốc phòng Nga cũng sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm linh kiện sản xuất vũ khí. Nga có nguy cơ đối mặt với đợt suy thoái mạnh, mức sống thấp trong một thời gian dài, trong khi hy vọng về khả năng phục hồi nhanh chóng là mong manh.
Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2022 sẽ giảm 11,2%. Thậm chí, Bộ Kinh tế Nga dự báo GDP của nước này sẽ giảm từ 10 - 15% trong năm nay. Không chỉ suy giảm mạnh trong năm nay, kinh tế Nga dự báo sẽ còn giảm mạnh trong những năm tới nếu chiến sự Nga- Ukraine tiếp tục kéo dài và Mỹ, phương Tây gia tăng các đòn trừng phạt mới với Nga.