Chủ đầu tư khu công nghiệp “khát” nhà ở cho công nhân
Khu công nghiệp Nam Đình Vũ nằm tại bán đảo Đình Vũ – Cát Hải, phía Đông thành phố Hải Phòng, nằm trong hệ thống cảng biển thành phố và là KCN gần nhất với Cảng quốc tế nước sâu Lạch Huyện.

Chuẩn bị “hứng” sóng đầu tư

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 5/2021, trên cả nước hiện có 394 KCN và hàng nghìn cụm công nghiệp (CCN) lớn nhỏ được thành lập thu hút hàng chục nghìn lao động đến làm việc quanh mỗi KCN.

Tuy nhiên, có một lỗ hổng lớn cần khắc phục trong thời gian sớm nhất đó chính là xây dựng, phát triển và quản lý nguồn nhân lực trong KCN, KKT.

Theo các chuyên gia kinh tế, những lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng chuyển dịch vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Vì vậy cần phải có các giải pháp chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề để đón làn sóng dịch chuyển đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bà Trần Thị Tố Loan, Giám đốc Kinh doanh Khu công nghiệp Nam Đình Vũ khẳng định, vị trí địa lý của KCN sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nhân lực. Dẫu vậy, vị trí của KCN này rất thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu nhưng lại cách khoảng 7km với khu dân cư gần.

Đây chính xác là KCN và logistic thuần túy, không gắn liền với khu dân cư. Lao động 100% phải di chuyển đến KCN từ trung tâm thành phố từ 15 - 20phút. Điều này khiến các doanh nghiệp với nhu cầu nhiều lao động quan ngại khi đầu tư vào KCN.

Số lượng lao động hiện tại của cả Khu bán đảo Đình Vũ Cát Hải với 4 KCN là 14 nghìn lao động. Dự kiến nhu cầu lao động trong thời gian tới mà các doanh nghiệp đã đăng ký là hơn 30 nghìn lao động.

Thử làm 1 phép tính, cứ 1 tỷ USD vốn đầu tư thu hút và thực hiện cần khoảng 20.000 lao động.  

Theo mục tiêu đề ra, 5 năm tới, Hải Phòng thu hút tối thiểu 15 tỷ USD vốn đầu tư vào thành phố, dự kiến sẽ cần khoảng 300.000 lao động.

Để sắp xếp nhu cầu nhà ở cho 30.000 người lao động này là vấn đề cấp bách, cần thiết. Đặc biệt sẽ khó khăn nếu muốn khu nhà ở của các công nhân này riêng biệt, độc lập, chi phí sẽ dồn lên người lao động và doanh nghiệp. 

Do đó, trong tương lai KCN Nam Đình Vũ vẫn phải đảm bảo nhà ở cho công nhân đi kèm các tiện ích trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí. Nhưng trước mắt vẫn cần nhất là các khu nhà ở công nhân như cũ để người lao động ổn định vấn đề nhà ở.

Ở Hải Phòng hiện có thực tế có các khu nhà ở công nhân vẫn đang được xây dựng từ nhu cầu thực tế của các khu công nghiệp.

Nhà ở công nhân ngay từ trước đại dịch đã là vấn đề được quan tâm và được nhắc đến nhiều lần trong mong muốn của các nhà đầu tư.

Toàn bộ bán đảo Đình Vũ – Cát Hải với 5 KCN trong đó 2 KCN đã thu hút hơn 90% diện tích, 3 KCN còn lại đang trong quá trình thu hút nhưng chưa có dự án nhà ở công nhân. Nhu cầu cấp thiết ngay cho các Dự án đã đăng ký đầu tư, hiện trong quá trình xây dựng. 

Hiện do chưa sắp xếp được chỗ ở phù hợp, nhân công thường xuyên phải sử dụng xe đưa đón từ các tỉnh thành lân cận bao gồm cả Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

Theo bà Loan, việc này không chỉ tốn nhiều thời gian di chuyển của người lao động, tăng chi phí cho nhà đầu tư mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn, dễ mang mầm bệnh từ địa phương đến khu vực sản xuất và đứt dãy chuỗi sản xuất. 

Điểm nghẽn quỹ đất và thủ tục nhiêu khê

Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư hạ tầng KCN tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động tại KCN.

Song với các KCN hiện hữu, việc quy hoạch nhà ở công nhân tương đối khó khăn do liên quan đến việc bố trí quỹ đất, điều chỉnh quy hoạch, KCN mất rất nhiều thời gian để thực hiện thủ tục này.

Sau thời gian dài đề xuất trong năm nay sẽ có dự án nhà ở công nhân  được triển khai tiếp tại KCN VSIP Hải Phòng. Hiện KCN Nam Đình Vũ cũng đang trông đợi vào các thay đổi tiếp theo về chính sách liên quan đến nhà ở công nhân của thành phố. 

Cũng gặp rào cản tương tự, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại An, Chủ đầu tư KCN Đại An cho biết, quy định trước đây yêu cầu diện tích tối thiểu với một KCN là 100 ha nhưng Nghị định 82 mới đây lại đưa ra quy định tối thiểu chỉ 75ha/1 KCN.

Với 100 ha, nhà đầu tư phải đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ (đền bù đất khoảng 400 tỷ, đầu tư tối thiểu 600 tỷ, thậm chí thực tế đầu tư ít nhất là mức 1.400 tỷ). Do đó, quy định 75ha/KCN là không phù hợp. Một KCN cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hoá, kết nối cho người lao động. 

Nhà ở cho công nhân không đơn thuần là nơi ở mà còn bao gồm các thiết chế về y tế, khu hoạt động văn hoá bên cạnh khu ăn ở cho người lao động.

Nhà ở cho công nhân không đơn thuần là nơi ở mà còn bao gồm các thiết chế về y tế, khu hoạt động văn hoá bên cạnh khu ăn ở cho người lao động.

Trong khi đó, các nhà đầu tư KCN đang bị chi phối bởi Luật Nhà ở khi xây dựng nhà ở trong KCN. Do đó rất khó để kêu gọi được nhà đầu tư KCN xây dựng nhà ở. 

Bên cạnh đó, quy trình xây dựng nhà ở cho công nhân cũng còn dài dòng, bất cập.

“Chúng tôi 7 năm vừa qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề thủ tục xây dựng nhà ở cho công nhân. Nhà nước phải thay đổi chính sách lựa chọn nhà đầu tư KCN. Cần có tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để họ đáp ứng được các vấn đề mang tính kết nối quốc tế, đào tạo, đời sống người lao động. Phải coi chủ đầu tư KCN là nhà đầu tư đặc biệt”, bà Phương kiến nghị.  

Hiện nay, mô hình nhà ở cho công nhân đang theo mô hình cũ (4-6 người/phòng).

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho rằng, mô hình đó đã không còn hiệu quả. Bởi công nhân ai cũng mong muốn ở 1 phòng.

Ông Điệp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu kỹ và nghiên cứu xu hướng tiêu dùng của người lao động trong thời đại mới để ban hành tiêu chuẩn giúp các doanh nghiệp đầu tư nhà ở cho công nhân được.

“Nếu tiêu chuẩn của Việt Nam đưa ra chỉ có nhà ở cho công nhân thì chúng tôi không dám đầu tư vì không có người ở. Đó là một trong những vấn đề mà tại sao rất ít các KCN xin được xây nhà ở cho công nhân”, ông Điệp nói.

Ngoài ra, ở các KCN Bắc Giang, trong mùa Covid-19 này, công nhân ở cùng phòng sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan rất nhanh. Do vậy, cần phải thay đổi, tư duy cách nhìn về quy hoạch xây dựng nhà ở công nhân thì mới phù hợp.

Anh Hoa
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc