Bất động sản công nghiệp thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu
Chiến lược thích ứng với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của nhà phát triển bất động sản công nghiệp là đầu tư cải thiện hạ tầng khu công nghiệp, cung cấp nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu đa dạng và hỗ trợ hiệu quả cho nhà đầu tư…
Ưu đãi thuế không còn là thế mạnh để thu hút đầu tư
Phân tích tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với việc thu hút đầu tư ở Việt Nam, bà Trang Bùi, Giám đốc quốc gia Cushman & Wakefield Vietnam nhận định, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể làm giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam, bởi chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không còn là thế mạnh.
“Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài sẽ phụ thuộc vào chất lượng và dịch vụ cung cấp, do các yếu tố chính để thu hút đầu tư của Việt Nam là ưu đãi thuế và lao động giá rẻ ngày càng mờ nhạt”, bà Trang nói.
Từ phân tích nêu trên, bà Trang nhấn mạnh, bất động sản công nghiệp sẽ chịu tác động không nhỏ từ chính sách thuế thuế tối thiểu toàn cầu, vì trước đây, lĩnh vực này thu hút đầu tư cũng chủ yếu nhờ ưu đãi thuế và giá lao động rẻ.
TS. Agustin Redonda (Hội đồng Chính sách Kinh tế, có trụ sở tại Thụy Sỹ) cho biết, ưu đãi thuế là một trong những công cụ chính sách chủ yếu của các chính phủ trên toàn thế giới để thu hút đầu tư, tuy nhiên, hiệu quả của chính sách này trong việc thực hiện các mục tiêu của chính phủ vẫn còn là một câu hỏi.
Theo TS. Agustin Redonda, bây giờ là thời điểm tốt để Chính phủ Việt Nam xem xét kỹ hơn hiệu quả của những ưu đãi về thuế, trên cơ sở đó, loại bỏ các ưu đãi không hiệu quả và duy trì, thậm chí mở rộng, những ưu đãi phát huy hiệu quả.
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận mà các nước G7 đã đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại việc các tập đoàn đa quốc gia “né” thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế khác, hoặc hoạt động kinh doanh kỹ thuật số xuyên quốc gia mà không có sự hiện diện thực tế. Mức tối thiểu được áp dụng là 15%, đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (tương đương 800 triệu USD) trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất. Dự kiến, chính sách thuế này sẽ được áp dụng từ năm 2024.
Hướng đi trong dài hạn
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có gần 400 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó có hơn 290 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và hơn 100 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng.
Dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho thấy, tính đến hết quý I/2023, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp cấp 1 trên cả nước tiếp tục xu hướng tăng, đạt mức trên 80%. Dẫn đầu là khu vực phía Nam với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%. Trong đó, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất, đạt trên 95%.
Nhìn chung, tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại các thị trường trọng điểm phía Bắc và phía Nam đều duy trì ở mức trên 90% trong năm 2022. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương được lấp đầy gần như hoàn toàn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia VARs, phân khúc này cũng còn nhiều lực cản, do khâu giải phóng mặt bằng chậm, thiếu các dịch vụ phục vụ người lao động và hạ tầng kết nối còn thiếu đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà xưởng còn thấp.
Các chuyên gia đến từ VARs đánh giá, sự sụt giảm của dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam, dù không nhiều, vẫn tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng của bất động sản công nghiệp. Theo đó, để thu hút thêm dòng vốn FDI vào khu công nghiệp, Việt Nam cần có hệ thống chính sách rõ ràng và đủ mạnh để hỗ trợ các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy thị trường phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Thông tin quy hoạch khu công nghiệp đồng bộ cần được công khai, minh bạch trong tổng thể bản đồ quy hoạch chung của vùng, địa phương để nhà đầu tư yên tâm nghiên cứu, nắm bắt cơ hội đầu tư. Cùng với đó, cần nâng cấp hạ tầng giao thống kết nối, đơn giản hóa thủ tục cấp phép và đảm bảo hệ sinh thái “xanh” cho các khu công nghiệp.
Đặc biệt, dưới tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, những ưu đãi về thuế không còn là thế mạnh. Vì vậy, theo bà Trang Bùi, để hút mạnh dòng vốn, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp cần đầu tư và hoàn thiện hơn nữa chất lượng hạ tầng khu công nghiệp theo hướng đồng bộ, hiện đại, cung cấp nhiều tiện ích nhất cho nhà đầu tư.
Đây cũng là hướng đi trong dài hạn, bởi ưu đãi về thuế chỉ là một trong những yếu tố để các nhà đầu tư xem xét đưa ra quyết định đầu tư. Trên thực tế, họ luôn ưu tiên lựa chọn điểm đến an toàn, ổn định để đảm bảo dự án được triển khai thuận lợi, bảo toàn được vốn và gia tăng lợi nhuận.