Lợi thế tĩnh của bất động sản công nghiệp gắn với cảng biển của Deep C

Các khu công nghiệp ở phần còn lại của Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh với công suất và quy mô lớn của Tổ hợp công nghiệp Deep C khi Quảng Ninh, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, trở thành một cực của trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hoá, cửa ngõ xuất - nhập khẩu trọng yếu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ vào năm 2030. Thậm chí, mục tiêu này có khả năng đến sớm nếu Quảng Ninh khởi công Tuyến đường từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến khu công nghiệp Bắc Tiền Phong vào quý 4 năm nay.

THIẾU CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN RÕ RÀNG

Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), đã đến Quảng Ninh vào tháng trước để nói về khả năng hợp tác phát triển các dịch vụ cảng biển. Quảng Ninh có chuyển biến tốt về hạ tầng, nhưng “cơ cấu hạ tầng cảng biển và logistics bất hợp lý”. Hầu hết các cảng biển được vận hành theo mô hình tổng hợp, số lượng cảng container rất khiêm tốn, trong khi khả năng kết nối đang là một điểm yếu của hệ thống cảng biển ở Quảng Ninh.

Vấn đề của Quảng Ninh tương tự Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 10 năm trước, loay hoay giải bài toán “chi phí và nguồn hàng”, ông Trung nhận xét. Quảng Ninh chỉ trở thành một cực trung chuyển hàng hóa của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ khi chính quyền địa phương đưa ra một chính sách phát triển rõ ràng về đầu tư hạ tầng và kinh doanh cảng biển, cắt giảm thủ tục hành chính để gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí.

Nhưng khác với Bà Rịa - Vũng Tàu, ngay từ đầu Quảng Ninh sẽ không gặp khó khăn về nguồn hàng, yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cho hệ thống cảng biển hoạt động tốt. Deep C đang đảm nhiệm nguồn hàng rất lớn ra thị trường toàn cầu, cơ sở vững chắc để Quảng Ninh đạt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt khoảng trên 122 triệu tấn, dịch vụ cảng biển đóng góp từ 1,2-1,5% GRDP, hình thành thương hiệu Quảng Ninh trên bản đồ cảng biển khu vực và quốc tế, theo Nghị quyết số 15-NQ/TU của tỉnh này.

Bài thuyết trình của ông Trung thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và giới phân tích trong bối cảnh lợi nhuận kinh doanh cảng biển giảm mạnh, tác động từ giá dịch vụ thấp, khoảng 300.000 đồng/container 20 feet. Giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu đang áp dụng tại Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực, chỉ bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 46% Singapore.

Khu công nghiệp có cảng biển đã trở thành xu thế tất yếu cho sự phát triển logistics khu vực và thế giới. Singapore là Quốc gia phát triển Logistics thứ 2 trên thế giới với mức đóng góp khoảng 8%/GDP/năm nhờ việc xây dựng các khu công nghiệp tại các cảng biển, từ đó mở rộng xây dựng các trung tâm Logistics, trung tâm thương mại tự do và các trung tâm phân phối hàng hóa khu vực.

Lợi thế của khu công nghiệp có với cảng biển cũng đã được chứng thực ở nhiều khu công nghiệp cảng biển châu Á như Sakai Senboku (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Malacca (Malaysia). Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn khó phát triển các dự án khu công nghiệp có cảng biển.

Lợi thế tĩnh của bất động sản công nghiệp gắn với cảng biển của Deep C - Ảnh 1

NHỮNG YẾU TỐ CỐT LÕI MANG TÍNH ĐẶC THÙ

Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện kinh tế Việt Nam, nhận xét, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ hiện nay được xem là “đang hình thành rõ nét nhất” và “chứng minh được tiềm năng to lớn” khi có tính ảnh hưởng và liên kết mang tính liên vùng với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, nhất là sự bùng nổ về phát triển của một vùng rộng lớn ở Tây Nam Trung Quốc trong tương lai gần. Ông cho rằng “cửa ngõ chính hướng ra biển của khu vực bùng nổ này chính là Hải Phòng- Quảng Ninh, và cụm cảng của khu vực này”.

Khu công nghiệp có cảng biển đang tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế, xã hội và môi trường của vùng và địa phương. Giới phân tích cho rằng, sử dụng nhiều đất đai, thời gian tồn tại lâu dài, những yếu tố mang tính đặc thù của loại hình kinh tế này. Đặc biệt, việc chọn lựa và quy hoạch vị trí xây dựng khu công nghiệp sẽ đáp ứng các nguyên tắc tối ưu để xây dựng bến cảng, gần trục giao thông chính, sân bay để tiêu thụ sản phẩm, thuận lợi cung cấp dịch vụ cho sản xuất.

Theo chính quyền các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, Deep C là tổ hợp cảng biển - logistic - công nghiệp quan trọng. Địa điểm xây dựng Deep C được căn cứ vào quy hoạch phát triển tổng thể về kinh tế - xã hội vùng và các địa phương, gắn liền mục đích phát triển kinh tế của Hải Phòng và Quảng Ninh với chuỗi liên kết kinh tế trong nước và được đặt trong mối quan hệ thương mại thế giới.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch Deep C đảm bảo quy hoạch vùng, ngành gắn với an ninh, quốc phòng nhằm phát huy tốt lợi thế so sánh và phù hợp với nguồn lao động, bảo vệ môi trường đồng thời lấy khu công nghiệp làm hạt nhân để hình thành các khu đô thị mới. Đặc biệt, vị trí cảng biển là tối ưu hơn cả do có sự cân bằng giữa tự nhiên và nhân tạo, thu hút các nguồn lao động và người dân đến sinh sống - tiền đề cho sự hình thành các khu đô thị mới.

ĐÁP LẠI XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, đầu tư vào lĩnh vực hậu cần và bất động sản công nghiệp tại khu vực này sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3-5 năm tới khi các nhà đầu tư tìm cách gia tăng thị trong chuỗi cung. Theo đó, khối lượng đầu tư vào lĩnh vực hậu cần sẽ tăng từ 25-30 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2019-2020 lên 50-60 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo mới nhất về bất động sản công nghiệp và hâu cần logistics của JLL.

Vadym Sheronov, Giám đốc điều hành tại Việt Nam của Royal HaskoningDHV, cho biết, các nhà đầu tư đang có xu hướng “tìm kiếm và lựa chọn các đối tác có cùng các tiêu chuẩn phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an toàn lao động”. Điều này, theo Vadym Sheronov, giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho các khu công nghiệp đang định hướng trở thành khu công nghiệp sinh thái và Deep C là ví dụ tốt trong hoạt động thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, một yếu tố cốt lõi của mô hình phát triển tỉnh Quảng Ninh, với hai tổ hợp cảng biển-logistic-công nghiệp quan trọng là khu công nghiệp Bắc Tiền Phong và khu công nghiệp Nam Tiền Phong, thuộc khu kinh tế ven biển Quảng Yên. Hạ tầng cảng biển của Deep C kết nối trực tiếp với cảng nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng thông qua tuyến sông Chanh hiện đang triển khai dự án nạo vét. Kế hoạch phát triển lớn này sẽ giúp giảm chi phí vận tải nội địa, thúc đẩy phát triển logistic trong khu vực, và nâng cao năng lực cạnh tranh của Quảng Ninh.

Lợi thế tĩnh của bất động sản công nghiệp gắn với cảng biển của Deep C - Ảnh 2

Đáp ứng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, hạ tầng cảng biển tích hợp của Deep C sẽ phục vụ tàu hàng tổng hợp và hàng lỏng có trọng tải lên đến 50.000 DWT, Trần Thị Huyền, Quản Lý Kinh Doanh Cấp Cao của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, cho biết.

Dự án nạo vét sông Chanh thực sự là các khoản đầu tư rất quan trọng để Quảng Ninh chuyển mình thành một trung tâm logistic lớn ở miền Bắc Việt Nam. “Chúng tôi sẽ nạo vét toàn bộ chiều dài gần 13 km sông Chanh tới cao độ -11 m CD, đảm bảo giao thông nhanh chóng và an toàn giữa tổ hợp cảng của chúng tôi và cảng nước sâu Lạch Huyện ở Hải Phòng” Huyền nói.

Mới đây, đáp lại các sáng kiến và tầm nhìn dài hạn của Deep C là những dự án đầu tư mới của một số công ty cung cấp dịch vụ kho bãi và logistic quốc tế uy tín, như BW, CORE5, Logos và các công ty khác. Trần Thị Huyền cho đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy một năm đầy khởi sắc của cả BTPIZ và TPIZ, trở thành địa điểm đầu tư tốt nhất tiếp theo ở miền Bắc, sự kết hợp có một không hai giữa dịch vụ công nghiệp, hậu cần và cảng. Tất nhiên, mục tiêu này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ liên tục của địa phương về nguồn cung lao động, quỹ đất, thủ tục cấp phép, cải cách hành chính và đầu tư giao thông.

Mục tiêu của Deep C không chỉ là thu hút đầu tư, “chúng tôi muốn xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp cùng chia sẻ những giá trị bền vững thông qua phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái”, Huyền cho hay. Trong tương lai, Deep C tiếp tục tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo, phát triển các cơ hội cộng sinh công nghiệp trong các khu công nghiệp của Deep C và các giải pháp tái chế nhằm mang lại các lợi ích về môi trường, kinh tế và xã hội cho các cộng đồng.

Hải Vân
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc