Cơ hội và thách thức để Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics tại Đông Nam Á?

Đặt hàng online và nhận các đơn hàng từ shipper có lẽ hiện đang trở thành một thói quen vô cùng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của mọi người bất kể ở thành thị hay nông thôn, đặc biệt là sau hơn hai năm đại dịch Covid-19. 

Báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường Statista chỉ ra rằng, số lượng người Việt mua hàng trực tuyến lên đến hơn 51 triệu trong năm 2022, tăng 13,5% so với năm trước. 

Bên cạnh đó, báo cáo "Nghiên cứu về hình thức kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới" do Công ty bưu chính thương mại điện tử (e-logistics) Ninja Van Group hợp tác Mạng lưới bưu chính DPDgroup công bố mới đây cho thấy, người Việt Nam yêu thích việc mua sắm online và đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á ở nhiều chỉ số. 

Cụ thể, 73% người trả lời tại Việt Nam cho biết thường xuyên mua hàng trên các nền tảng mua sắm thương mại điện tử (e-commerce) và 59% đã từng nhiều lần đặt hàng hoặc mua sắm trên các website quốc tế. Theo báo cáo, Việt Nam hiện đang chiếm 15% tổng thị trường mua sắm trực tuyến tại Đông Nam Á, chỉ đứng sau Thái Lan với tỉ lệ 16% và ngang bằng với Philippines.

Tài xế Ninja Van giao hàng cho khách

Tài xế Ninja Van giao hàng cho khách

Bên cạnh các cơ hội phát triển bùng nổ do những thay đổi từ hành vi mua sắm của người tiêu dùng, logistics nói chung và e-logistics nói riêng của Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức đặc thù, trong đó nổi bật là bài toán về chi phí. 

Một báo cáo về Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố hồi cuối năm ngoái cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam còn cao, chiếm khoảng hơn 20% GDP. Trong khi đó, mức chi phí logistics trung bình trên thế giới, chỉ khoảng 11% GDP. 

So với các mô hình logistic truyền thống, e-logistics hiện đang phát triển mạnh mẽ. Và theo những người trong cuộc, sẽ có những yếu tố chính đóng đóng vai trò quyết định trong việc giảm thiểu chi phí logistics trong thương mại điện tử.

Ngoài ra, một thách thức khác phải kể đến là sự khác biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn buộc các nhà cung cấp dịch vụ e-logistics phải có những tính toán cũng như chiến lược đầu tư dài hơi để có thể phát triển. 

Vậy trong bối cảnh “bình thường mới”, e-logistics của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển theo chiều hướng nào? Làm thế nào để tháo gỡ các “nút thắt” như các bài toán cho logistics thương mại điện tử.  Liệu có những cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?

Bên cạnh các dịch vụ logistics trong nội địa, dịch vụ e-logistics xuyên biên giới được cho là sẽ góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong quốc gia top đầu về e-logistics trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc kết nối giữa người mua và người bán xuyên biên giới cũng cần được hỗ trợ đặc biệt. 

Để mang tới cho độc giả những cái nhìn cận cảnh hơn về các vấn đề này, Trung tâm Kết nối Công nghệ Tương lai (Tech Connect), Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức Talkshow The WISE Talk số thứ 03 với chủ đề: “Cơ hội và thách thức nào cho Việt Nam trở thành điểm đến tiếp theo về đầu tư e-logistics trong khu vực Đông Nam Á?".

Hoàng An
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc