Doanh nghiệp FDI ngại niêm yết
Nếu được cơ quan quản lý chấp thuận, CPV sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE). Ảnh: Đức Thanh

Thưa bóng doanh nghiệp FDI niêm yết

Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn khá vắng bóng trên thị trường chứng khoán nội địa. Thực tế trên chưa phản ánh đúng tầm quan trọng của doanh nghiệp FDI.

Ngoài các doanh nghiệp được nhà đầu tư nước ngoài sở hữu hơn 51% cổ phần sau khi niêm yết như Sabeco - Thai Beverage, Imexpharm - SK Investment, các doanh nghiệp với gần 100% vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ niêm yết tại Việt Nam còn chưa nhiều.

Trước đây, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một làn sóng các doanh nghiệp FDI lên sàn từ năm 2003 - 2008 sau khi Nghị định số 38/2003/NĐ-CP được ban hành. 

Hiện tại, chỉ có 6 doanh nghiệp FDI đang niêm yết trên HoSE và 3 doanh nghiệp khác đang giao dịch trên UpCOM. Các doanh nghiệp này bao gồm: Siam Brothers Vietnam (SBV), Everpia (EVE), Mirae (KMR), Tung Kuang (TKU), Gốm sứ Taicera (TCR), Taya Việt Nam (TYA), Hoàng Gia (RIC), Interfood (IFS), Chang Yih (CYC).

Ngoại trừ Interfood thành công xoá bỏ khoản lỗ lũy kế từ cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp FDI đang niêm yết như EVE, TKU, TYA, KMR, SBV, dù đạt được lợi nhuận, nhưng không ổn định.

Trong khi đó, Công ty Hoàng Gia (RIC - kinh doanh hoạt động liên quan tới giải trí như casino), liên tục thua lỗ kể từ khi niêm yết vào năm 2008 và cuối cùng bị hủy niêm yết chính thức sau 3 năm liên tiếp có kết quả kinh doanh không khả quan vào 16/5/2022 và đã quay lại niêm yết trên UPCoM không lâu sau đó.

Bất chấp triển vọng doanh nghiệp FDI niêm yết chưa thực sự khả quan, một số doanh nghiệp FDI quy mô lớn cũng đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc niêm yết tại HSX, trong đó có C.P. Việt Nam.

Trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan vào tháng 4/2022, công ty mẹ Charoen Pokphand Foods (CPF) thông báo rằng, HĐQT đã phê duyệt quy trình đăng ký cho C.P Việt Nam tiến hành các thủ tục để trở thành công ty đại chúng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông thiểu số.

Cụ thể, CPF cũng ghi rõ trong thông báo, "trong trường hợp được cơ quan quản lý chấp thuận, CPV sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE).”

Vào Việt Nam từ năm 1993, CP Việt Nam trở thành doanh nghiệp FDI hàng đầu trên thị trường chăn nuôi, chế biến thực phẩm trong nước.

Trước C.P. Việt Nam, gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản AEON vào cuối năm 2021 cũng ám chỉ kế hoạch niêm yết tại Việt Nam. 

Doanh nghiệp FDI ngại công bố thông tin

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại VNDirect, lưu ý rằng, một trong những mối quan tâm chính đối với các doanh nghiệp FDI khi xem xét niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam là vì còn “ngại” việc công bố thông tin.

Nếu niêm yết tại Việt Nam, các doanh nghiệp FDI sẽ trở thành doanh nghiệp đại chúng, do vậy phải tuân thủ các quy tắc về việc công bố thông tin theo quy định của cơ quan quản lý. Điều này là một trong những thách thức đối với nhiều doanh nghiệp FDI vì cấu trúc tập đoàn phức tạp, liên quan tới nhiều những công ty liên kết tại nhiều quốc gia khác nhau.

Phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam được coi là cổ phiếu penny, chưa phải là cổ phiếu blue-chip. Do đó, các cổ phiếu này vẫn chưa đóng góp đáng kể vào sự phát triển và tăng trưởng của thị trường nói chung.

“Quy mô của các doanh nghiệp FDI đã niêm yết không thực sự ấn tượng, khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán Việt Nam còn hạn chế. Việt Nam cũng vẫn được coi là thị trường cận biên, chưa thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư lớn. Bản thân thị trường trong nước vẫn còn tương đối nhỏ, với quy mô vốn khiêm tốn, khiến các doanh nghiệp FDI ít thấy hấp dẫn. Do đó, tiềm năng về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao,” bà Hiền chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Một số ý kiến cũng bày tỏ lo ngại rằng, việc niêm yết của các doanh nghiệp FDI trên thị trường chứng khoán tiềm ẩn những rủi ro cố hữu, đặc biệt là về việc rút vốn, vì họ có thể huy động vốn từ thị trường Việt Nam trước khi nhanh chóng chuyển ra nước ngoài.

“Khoảng thời gian 2007-2008, lúc thị trường chứng khoán Việt Nam còn tương đối sơ khai, Taicera là một trong các doanh nghiệp FDI niêm yết lúc đó đã bị coi là đối mặt với nhiều cáo buộc liên quan tới việc huy động vốn và rút vốn. Thực tế, thời điểm đó do các quy định còn lỏng lẻo, nên mới có nghi vấn nhiều doanh nghiệp có thể trục lợi. Tuy nhiên, với quy định ngày càng chặt chẽ hơn và các cơ quan chức năng của Việt Nam thực hiện các biện pháp chủ động, rủi ro rút vốn đã giảm đi đáng kể,” bà Hiền chia sẻ.

Phần lớn cổ phiếu của doanh nghiệp FDI ở Việt Nam được coi là cổ phiếu penny, chưa phải là cổ phiếu blue-chip. Do đó, các cổ phiếu này vẫn chưa đóng góp đáng kể vào sự phát triển và tăng trưởng của thị trường nói chung.

Theo bà Hiền, trong khoảng 2 - 3 năm tới, các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam sẽ khó nới lỏng các quy định về niêm yết, hoặc cũng sẽ không có những chính sách đặc biệt để khuyến khích một lượng ồ ạt các doanh nghiệp FDI niêm yết. Nếu muốn niêm yết, các doanh nghiệp ngoại cũng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt cụ thể và tuân thủ các khung pháp lý.

“Đối với trường hợp của CP. Việt Nam, mặc dù nhiều người có thể kỳ vọng công ty này sẽ niêm yết tại Việt Nam, nhưng cho tới nay, họ cũng chưa có những động thái dứt khoát về việc nộp hồ sơ niêm yết lên HSX”, bà Hiền nhận xét.

Lưu Hương
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc