Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì lạm phát ở mức ổn định, theo đuổi chính sách tiền tệ linh hoạt
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Thùy Dung

Trong cuộc phỏng vấn với Báo Điện tử Chính phủ, ông Andrew Jeffries cho rằng, việc triển khai thành công chiến lược vaccine và những biện pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống dịch COVID-19 đã tạo ra động lực lớn giúp Việt Nam phục hồi các hoạt động kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu có nhiều thách thức, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm và sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ, du lịch trong nước phục hồi và phát triển.

Theo Giám đốc ADB tại Việt Nam, nhờ có sự phục hồi mạnh mẽ, ADB đã duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay giống như mức dự báo mà ADB đã đưa ra vào tháng 4/2022. Đồng thời, nhận định kinh tế Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng cao hơn vào năm sau.

ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng cho năm 2022 vì Việt Nam hiện vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu và hàng hóa tăng cao, sự tăng trưởng kinh tế chậm lại từ các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc có thể gây ra sự sụt giảm về xuất khẩu trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh và bền vững, Việt Nam vẫn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đây cũng là nhân tố giúp cho Việt Nam phục hồi và tiếp tục giữ vững mức tăng trưởng kinh tế cao như thời gian trước khi đại dịch xảy ra.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm: Điểm nghẽn kinh tế Việt Nam​

Mặc dù cán cân kinh tế của Việt Nam đang duy trì ổn định, nhưng các tổ chức quốc tế cũng đã cảnh báo về những điểm nghẽn của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch. Một trong số đó là việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Ông Andrew Jeffries khuyến nghị, với những căng thẳng về địa chính trị và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, Việt Nam cần nắm chắc số lượng dự án sẵn sàng cho đầu tư, xây dựng cũng như các yếu tố ngăn cản việc triển khai các dự án này.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, đây là vấn đề nan giải đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Tại Việt Nam, việc giải phóng mặt bằng là quá trình đầy thách thức và đôi khi mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Các dự án chỉ có thể được khởi công khi hoàn tất quá trình này. Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai để giải quyết một số vấn đề liên quan đến thu hồi đất.

Việt Nam cũng nên thực hiện cùng một lúc thay vì tuần tự các vấn đề liên quan đến triển khai các dự án bao gồm giải ngân vốn, nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế, đấu thầu và thuê nhà thầu. Và cuối cùng, khi các dự án đang trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi phải thay đổi thiết kế hoặc tăng chi phí, đặc biệt là các dự án lớn, kéo dài nhiều năm. Do đó, quá trình phê duyệt và điều chỉnh phải rất rõ ràng và cần được cân nhắc thấu đáo. 

Đánh giá về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch, Giám đốc ADB Việt Nam cho rằng, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng như nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng như khu vực còn nhiều thách thức đã hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn.

Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới, đều phải chịu áp lực lạm phát do các yếu tố bên ngoài chứ không phải do các yếu tố trong nước gây ra. Điều đó đặt các nhà chức trách vào tình thế khó khăn khi vẫn phải kiểm soát lạm phát song hành với việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đang được triển khai đã hoãn thuế, giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đang triển khai một số chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp hoặc giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra các gói hỗ trợ cho thuê nhà ở giúp lao động tỉnh xa quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, theo ông Andrew Jeffries, Việt Nam cần có các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình này.

Thuỳ Dung
Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
Link bài viết gốc