Goldman Sachs: Giá dầu sẽ vượt 100 USD/thùng trong năm nay
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu tăng trưởng vững sẽ đưa giá dầu vượt mức 100 USD/thùng trong năm nay, với giá dầu thô Brent có thể đạt 105 USD/thùng trước quý 4 - theo dự báo mới nhất từ Goldman Sachs...
Ngân hàng Mỹ này cho rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng thêm 2,7 triệu thùng/ngày trong năm 2023 và thị trường dầu toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng thiếu cung trong nửa sau của năm.
Giới phân tích cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại và mạnh tay cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu cho các nhà máy lọc dầu tư nhân là một dấu hiệu cho thấy quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ khởi sắc mạnh một khi làn sóng lây nhiễm Covid hiện nay suy yếu.
Tính đến phiên giao dịch ngày 11/1, giá dầu WTI đã tăng 5 phiên liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 10/2022, và giá dầu Brent đã tăng 3 phiên liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022.
Cũng theo báo cáo của Goldman Sachs, kỳ vọng vào sự tăng trưởng vững vàng của nhu cầu dầu trong năm nay sẽ cho phép OPEC+ tăng sản lượng trở lại trong nửa sau của năm nay, hồi lại phần sản lượng bị cắt giảm đã công bố hồi tháng 10/2022. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
Tuy nhiên, Goldman Sachs cũng cho rằng nếu giá dầu yếu hơn dự báo, OPEC+ sẽ duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng đã công bố, thậm chí giảm sản lượng nhiều hơn để giữ giá dầu. Các chuyên gia của Goldman Sachs nhận định OPEC+ là một nhân tố giữ vai trò làm giảm nguy cơ mất giá của dầu.
Tháng trước, Goldman Sachs dự báo việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể khiến giá dầu tăng thêm 15 USD/thùng, vì nhu cầu dầu của Trung Quốc năm 2023 có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày trong năm 2022-2023.
Giữa tháng 12, Goldman Sachs nhận định sự thiếu hụt nguồn cung và thiếu đầu tư vào nguồn cung mới sẽ dẫn tới việc giá hàng hoá cơ bản tăng mạnh trong năm 2023. Các chiến lược gia của ngân hàng Mỹ dự báo hàng hoá cơ bản sẽ là lớp tài sản tăng giá mạnh nhất trong năm nay.
Nhà băng này dự báo quý 1 năm nay có thể chứng kiến tình trạng ảm đạm của thị trường hàng hoá cơ bản so với những quý còn lại do các nền kinh tế lớn của thế gới còn đang giảm tốc, nhưng mức đầu tư thấp vào hoạt động khai thác đầu thô, khí đốt và các kim loại chủ chốt sẽ tiếp tục hậu thuẫn dự báo về một “siêu chu kỳ” mới của giá hàng hoá cơ bản.
“Đâu là hàng hoá hưởng lợi nhiều nhất từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại? Đó là dầu thô… Máy bay, tàu xe… đang dừng hoạt động bỗng hoạt động trở lại. Nhu cầu dầu tăng mạnh là đương nhien”, ông Jeff Currie - trưởng nghiên cứu hàng hoá cơ bản của Goldman Sachs – phát biểu trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg ngày 11/1.
Giá dầu Brent hiện đang giao dịch trên mức 82 USD/thùng.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau trong 6 tháng trở lại đây. Đơn vị: USD/thùng.
Goldman Sachs cũng dự báo giá kim loại đồng sẽ tăng mạnh trong năm nay. Ông Currie nói giá đồng có thể vượt 11.500 USD/tấn vào cuối năm và đạt 15.000 USD/tấn trong dài hạn. Tuần này, giá đồng lần đầu tiên kể từ tháng 6 vượt mốc 9.000 USD/tấn.
Dự báo lạc quan của Goldman Sachs về giá dầu có phần trái ngược với dự báo mà Cơ quan Thông tin năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đưa ra mới đây.
Trong báo cáo tháng 1, EIA dự báo giá dầu thô Brent sẽ bình quân ở mức 83 USD/thùng trong năm 2023, giảm 18% so với mức của năm 2022 và sẽ tiếp tục giảm về mức 78 USD/thùng trong năm 2024 do lượng dầu tồn kho trên toàn cầu tăng. Trong báo cáo tháng 12, EIA dự báo giá dầu Brent năm 2023 sẽ bình quân 92,3 USD/thùng.
EIA dự báo sản lượng dầu của thế giới tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, đạt bình quân 101,1 triệu thùng/ngày, và tăng 1,7 triệu thùng/ngày trong năm 2024, đạt bình quân 102,8 triệu thùng/ngày.
Cũng theo báo cáo của EIA, tiêu thụ dầu toàn cầu năm 2023 sẽ bình quân ở mức khoảng hơn 100 triệu thùng/ngày và đến năm 2024 sẽ tăng lên mức 102,2 triệu thùng/ngày, từ mức 99,4 triệu thùng/ngày vào năm 2022, chủ yếu nhờ tăng trưởng nhu cầu dầu ở các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc.