Hình ảnh Thụy Sỹ xấu đi sau cuộc khủng hoảng Credit Suisse?
Trong suốt nhiều thập kỷ, Thụy Sỹ được xem là “thiên đường” có hệ thống pháp lý ổn định đối với các nhà đầu tư trái phiếu và cổ phiếu. Tuy nhiên, sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ Credit Suisse Group AG đã hé lộ những sự thật không mấy dễ chịu về quốc gia này, theo Bloomberg..
Trong cuộc đua để xúc tiến thương vụ UBS Group AG mua lại Credit Suisse - một đối thủ nhỏ hơn - vào cuối tuần vừa rồi, Chính phủ Thụy Sỹ lấy lý do vì sự ổn định và viện dẫn đạo luật khẩn cấp để bỏ qua 2 đặc điểm chính của thị trường mở. Đó là luật cạnh tranh và quyền của các cổ đông.
Sau thương vụ, tổng số 17 tỷ USD trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse bị ghi bút toán về 0, đồng nghĩa các trái chủ mất trắng.
Bên cạnh nỗi xấu hổ do sự sụp đổ của Credit Suisse, giới quan sát pháp luật cho rằng những bất ngờ trên đặt dấu hỏi lớn về tính ưu việt của đạo luật ngân hàng Thụy Sỹ, đồng thời khiến các nhà đầu tư hoài nghi khi rót tiền vào quốc gia này.
“Nhà đầu tư nước ngoài có thể băn khoăn liệu Thụy Sỹ liệu có phải một nước 'cộng hòa chuối' (banana republic) với nền chính trị bất ổn, nơi luật pháp không được áp dụng”, ông Peter V. Kunz, giáo sư về luật kinh tế tại Đại học Bern, nhận xét. “Dù nước này không gặp nguy hiểm nhưng có thể đối mặt nguy cơ kiện tụng bởi nhà chức trách đã can thiệp một cách đầy nguy hiểm và rủi ro”.
Đồng quan điểm, ông Kern Alexander, giáo sư luật và tài chính tại Đại học Zurich, cho rằng việc quản trị khủng hoảng trong vụ Credit Suisse đã được thực hiện theo cách “đầy hoảng loạn” và điều này “làm suy yếu luật pháp cũng như làm suy yếu chính Thụy Sỹ”.
Trong thông báo về thương vụ UBS-Credit Suisse do Chính phủ làm trung gian vào tối Chủ nhật (19/3), Chính phủ Thụy Sỹ đã viện dẫn một điều khoản trong hiến pháp cho phép họ ban hành các sắc lệnh tạm thời “nhằm ngăn chặn mối đe dọa hiện có hoặc sắp xảy ra với trật tự công cộng hoặc mối đe dọa về an ninh nội địa hoặc bên ngoài”. Trong cuộc khủng hoảng trên, điều này bao gồm việc đặt luật sáp nhập lên trên quy định về quyền biểu quyết của cổ đông doanh nghiệp.
Trong một cuộc họp báo cũng vào tối Chủ nhật, khi được hỏi liệu Chính phủ có đang bỏ qua các mối quan ngại về cạnh tranh khi thúc đẩy thương vụ trên hay không, bà Marlene Amstad, Chủ tịch Cơ quan Quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ (FINMA), nói rằng sự ổn định của nền tài chính được đặt lên trên mối lo về cạnh tranh.
Chủ tịch của FINMA, bà Marlene Amstad (thứ hai từ phải sang) là người cuối cùng trong số đại diện của các nhà chức trách Thụy Sỹ phát biểu về thương vụ UBS mua lại Credit Suisse vào tối ngày 19/3 - Ảnh: Reuters
“Hiến pháp cho chúng tôi quyền được bỏ qua một tình huống về cạnh tranh để đảm bảo sự ổn định về tài chính và chúng tôi đã sử dụng quyền đó ở đây”, bà Amstad nói.
Sau sáp nhập, Credit Suisse và UBS sẽ có tổng số tiền gửi của khách hàng là 333 tỷ Franc Thụy Sỹ (khoảng 360 tỷ USD). Con số này nhiều hơn 115 tỷ Franc Thụy Sỹ so với đối thủ gần nhất, ngân hàng Raiffeisen, the báo cáo gửi nhà đầu tư của UBS.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư phản đối nhiều nhất đối với thỏa thuận này là việc Finma quyết định thực hiện bút toán giảm đối với trái phiếu AT1 do Credit Suisse phát hành.
Trái phiếu AT1 ra đời sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 để đảm bảo nhà đầu tư sẽ là bên chịu các khoản lỗ chứ không phải tiền ngân sách trong trường hợp doanh nghiệp phát hành sụp đổ. Trái phiếu này có vai trò như một nguồn vốn đệm trong những thời điểm khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng là trái phiếu AT1 của hầu hết các ngân hàng khác ở châu Âu và Anh đều được hưởng sự bảo vệ tốt hơn nhiều. Trong khi đó, chỉ có trái phiếu AT1 do Credit Suisse và UBS phát hành có các điều khoản cho phép ghi bút toán giảm hoàn toàn.
Theo các nhà phân tích, dù trái phiếu AT1 của các ngân hàng Thụy Sỹ được làm rõ là có rủi ro bị xóa sổ ngay từ khi nhà đầu tư ký hợp đồng, đây là một ví dụ về “chủ nghĩa ngoại lệ” của Thụy Sỹ, đi ngược với nguyên tắc chung rằng trái chủ được đặt lên trước các cổ đông.
“Vụ việc này có thể dẫn tới rất nhiều vụ kiện tụng, cho thấy hành động không giống ai và ích kỷ của các nhà chức trách Thụy Sỹ”, ông Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nhận xét về vụ việc.
Tổ chức phi lợi nhuận Ethos Foundation, với 246 thành viên là các quỹ hưu trí đại diện cho 1,9 triệu người và tổng tài sản trị giá 370 tỷ Franc Thụy Sĩ, đã lên tiếng phản đối việc các nhà chức trách Thụy Sỹ bỏ qua quyền biểu quyết của các cổ đông Credit Suisse.
“Đối mặt với sự thất bại chưa từng có trong lịch sử của trung tâm tài chính Thụy Sỹ, Ethos sẽ tiếp tục bảo vệ lợi ích của các cổ đông thiểu số, bắt đầu từ các quỹ hưu trí Thụy Sỹ”, tổ chức có trụ sở tại Geneva và Zurich cho biết trong một tuyên bố ngày 20/3. “Những ngày tới, chúng tôi sẽ xem xét tất cả các lựa chọn hành động, bao gồm cả hành động pháp lý, để xác định trách nhiệm trong vụ việc này”.
Trong khi đó, công ty luật Quinn Emanuel Urquhart & Sullivan của Mỹ cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp hội nghị với các trái chủ vào ngày 22/3 cùng với các đại diện từ văn phòng của mình ở Zurich, New York và London để thảo luận về “các phương thức khắc phục khả thi mà các trái chủ nên cân nhắc”.