Hoà Bình có thêm dự án khu công nghiệp 214, 29 ha
Dự án khu công nghiệp Bình Phú sẽ được thực hiện tại xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình với uy mô sử dụng đất 214,29 ha
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 883/QĐ-TTg chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú.
Địa điểm thực hiện dự án là xã Mông Hóa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Dự án có quy mô sử dụng đất 214,29 ha, không bao gồm 21,57 ha đất rừng. Diện tích đất 214,29 ha này bao gồm phần diện tích đất đã cho các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất và phần diện tích đất còn lại để nhà đầu tư thuê đất, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng.
Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất. Thời hạn hoạt động là 50 năm, kể từ ngày 22/7/2022.
Về tổng vốn đầu tư của dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu Nhà đầu tư xác định lại tổng vốn đầu tư của dự án trên cơ sở quy mô sử dụng đất của dự án và phương án hoàn trả phần vốn ngân sách nhà nước đã được sử dụng cho dự án, đảm bảo vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
Tại quyết định này, Phó Thủ tướng cũng giao UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phù hợp với các văn bản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về quy mô diện tích, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án và theo quy định của pháp luật. Đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án.
Đồng thời chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hòa Bình và các cơ quan có liên quan phối hợp, hướng dẫn Nhà đầu tư thỏa thuận, thống nhất với các Nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây về tiền thuê, phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phương án đấu nối hạ tầng như giao thông, cấp nước, xử lý nước thải, công trình kết cấu hạ tầng sử dụng chung... vào hệ thống kết cấu hạ tầng chung của khu công nghiệp Bình Phú, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện;
Chỉ đạo nhà đầu tư đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp, đảm bảo kết nối với các nhà máy, cơ sở sản xuất của các nhà đầu tư thứ cấp thuê đất trước đây tại khu công nghiệp;
Có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi; chịu trách nhiệm về việc xác định diện tích rừng trong phạm vi dự án cần chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xử lý các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Đối với 21,57ha đất rừng, giữ nguyên chức năng đồi núi theo quy hoạch, không được chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác và yêu cầu Nhà đầu tư đưa phần diện tích đất này ra khỏi phạm vi và quy mô sử dụng đất của dự án.
Yêu cầu nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án, nếu phát hiện khoáng sản có giá trị cao hơn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo quy định pháp luật…
Theo lãnh đạo tỉnh Hoà Bình, tỉnh đã định hướng phát triển công nghiệp trở thành động lực của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và hiệu quả, làm động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và thực hiện các mục tiêu xã hội, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh… Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các khu, cụm cộng nghiệp chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
Hòa Bình hiện có 8 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 1.507,43 ha. Đó là Khu công nghiệp Lương Sơn quy mô 83 ha tại xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp bờ trái sông Đà 68 ha tại Phường Hữu Nghị, TP.Hòa Bình; Khu công nghiệp Yên Quang 200 ha tại xã Yên Quang, huyện Kỳ Sơn; Khu công nghiệp Mông Hóa 236 ha thuộc xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn; Khu công nghiệp Nhuận Trạch 213 ha tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp Lạc Thịnh 220 ha tại xã Yên Lạc, xã Lạc Thịnh, thị trấn Hàng Trạm, huyện Yên Thủy; Khu công nghiệp Nam Lương Sơn 200 ha ở xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn; Khu công nghiệp Thanh Hà 282 ha thuộc thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy.
Tính đến tháng 6/2022, các khu công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 104 dự án đầu tư ở trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký gần 515 triệu USD và trên 13.574 tỷ đồng.