Hợp tác Việt Nam - Singapore đang phát triển vượt bậc
Việt Nam và Singapore đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ song phương, trong đó chú trọng thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư.
Singapore và Việt Nam có mối quan hệ đối tác bền chặt và lâu dài, bắt nguồn từ mối quan hệ chính trị chặt chẽ và nhiều lợi ích chung. Sự hợp tác sâu rộng của chúng ta trên bình diện song phương và trên các diễn đàn đa phương đang củng cố lẫn nhau. Có thể thấy rõ điều này trong mối quan hệ kinh tế của chúng ta - một trụ cột chính trong mối quan hệ giữa hai nước.
Thương mại song phương đã tăng trưởng ổn định trong thập kỷ qua, đạt 22,7 tỷ đô la Singapore (16,8 tỷ USD) vào năm 2020. Điều này thậm chí còn đạt được trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, Singapore đã trở thành nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam trong năm 2020 và nửa đầu năm 2021. Đây là minh chứng mạnh mẽ cho niềm tin của các công ty chúng tôi vào tương lai của Việt Nam.
Mối quan hệ bền chặt giữa Singapore và Việt Nam không được xây dựng trong một sớm một chiều. Singapore đã là đối tác thân thiết của Việt Nam trong vài thập kỷ. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 25 năm thành lập Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Ngày nay, có các VSIP ở hơn 7 địa điểm khác nhau tại Việt Nam. Tổng cộng, các khu công nghiệp này đã thu hút được 14 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 270.000 việc làm tại Việt Nam.
Dự án SC Vivo City của liên doanh giữa Saigon Co.op và Mapletree (Singapore). Ảnh: Lê Toàn |
VSIP là một biểu hiện vật chất của mối quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa hai nước chúng ta. Trong tương lai, sự hiện diện của các VSIP sẽ tiếp tục mở rộng trên khắp Việt Nam và tôi tin tưởng rằng, các khu công nghiệp này sẽ có những đóng góp đáng kể cho quan hệ giữa hai nền kinh tế.
Cả hai nước đang điều chỉnh hợp tác kinh tế phù hợp với lợi ích và nhu cầu đang phát triển của hai bên. Hiệp định khung về Kết nối Kinh tế Việt Nam - Singapore được thiết lập năm 2006 bao gồm 6 lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông - vận tải.
Mặc dù hầu hết các lĩnh vực trên vẫn còn phù hợp, chúng ta đã và đang phối hợp để làm mới mối quan hệ đối tác này. Chúng ta đã tận dụng các hội nghị bộ trưởng kết nối hàng năm, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore chủ trì, để trao đổi quan điểm về các vấn đề kinh tế hiện tại, cập nhật cho nhau về các ưu tiên và lĩnh vực quan tâm mới của chúng ta.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Kết nối lần thứ 14 gần đây nhất vào năm 2019, hai nước đã nhất trí mở rộng một số lĩnh vực của Khung kết nối bao gồm đổi mới, công nghệ và khởi nghiệp. Chúng tôi mong muốn thúc đẩy các cuộc đối thoại này và tiếp tục khám phá các lĩnh vực hợp tác mới tiềm năng tại Hội nghị Bộ trưởng Kết nối lần thứ 15 vào cuối năm nay.
Thật vậy, có những lý do chính đáng để lạc quan về quan hệ kinh tế song phương trong tương lai của chúng ta. Ngay cả khi chúng ta đối mặt với những thách thức do Covid-19 mang lại và sự thay đổi công nghệ nhanh chóng, những triển vọng mới đã xuất hiện.
Ví dụ, trong lĩnh vực giáo dục, việc đóng cửa trường học đã thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục áp dụng các giải pháp học tập điện tử (e-learning). Điều này đã tạo ra một thị trường mới nổi cho các giải pháp công nghệ giáo dục (edtech).
Ngày càng có nhiều cơ hội hợp tác về thương mại điện tử và thanh toán điện tử. Nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng đã chuyển sang mua sắm trực tuyến và giao dịch không tiếp xúc do tác động của Covid-19 đối với các phương thức kinh doanh truyền thống. Đổi lại, điều này đã mở ra miền kỹ thuật số cho các công ty thuộc mọi quy mô để cung cấp các dịch vụ trực tuyến tốt hơn và liền mạch hơn, cả trong phạm vi quốc gia và đặc biệt là xuyên biên giới. Ngoài ra, còn có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore và Việt Nam tận dụng các ngành công nghiệp hỗ trợ cho thương mại điện tử, như trong các giải pháp hậu cần.
Bên cạnh đó, cả hai quốc gia đang thúc đẩy số hóa trong các thành phố thông minh, công nghiệp 4.0, chính phủ điện tử, an ninh mạng, AI và công nghệ đám mây. Khi bối cảnh kinh tế thay đổi, vẫn còn nhiều tiềm năng để Singapore và Việt Nam mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư của chúng ta.
Chính phủ Việt Nam và Singapore đang tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ hợp tác mới nổi này. Chúng ta đã nhất trí thành lập hai nhóm làm việc song phương - một sáng kiến được công bố trong chuyến thăm chính thức của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore, TS. Vivian Balakrishnan tới Việt Nam vào tháng 6 vừa rồi. Nhóm công tác về hợp tác Covid-19 nhằm tạo điều kiện cho cả hai nước phục hồi sau đại dịch. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách đưa ra các hệ thống quy định để đảm bảo rằng, khi đến thời điểm thích hợp, việc đi lại an toàn giữa cả hai quốc gia vì mục đích chính thức và kinh doanh có thể được tiếp tục.
Trong khi đó, nhóm công tác về hợp tác kinh tế kỹ thuật số sẽ tìm hiểu cách cả hai quốc gia có thể điều chỉnh các quy định của chúng ta để tạo thuận lợi cho thương mại và thương mại kỹ thuật số, đồng thời hợp tác với nhau trên các công nghệ mới và đang phát triển. Chúng tôi mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam về những vấn đề quan trọng này.
Mối quan hệ kinh tế song phương của chúng ta được củng cố bởi thực tế là Singapore và Việt Nam có cùng quan điểm về nhu cầu theo đuổi hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế sâu rộng hơn. Ví dụ, chúng ta đã hợp tác chặt chẽ trong ASEAN để thúc đẩy Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bao gồm cả trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào năm 2020.
Cả hai nước đều ủng hộ mạnh mẽ những hiệp định thương mại tự do thế hệ tiếp theo như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Chúng ta cũng là hai nước ASEAN duy nhất có hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Ngoài ra, sau nhiều năm đàm phán miệt mài, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết dưới sự chủ trì của Việt Nam trong ASEAN vào năm ngoái.
Điều này thể hiện rõ ràng cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực nhiều hơn - một cam kết mà Singapore chia sẻ. Cả hai nước chúng ta cũng tích cực hợp tác trong các nhóm đa phương lớn như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Khi các quốc gia điều chỉnh môi trường toàn cầu ngày càng phức tạp, cả Singapore và Việt Nam đều nhận ra giá trị của hội nhập kinh tế lớn hơn. Chúng ta đều hiểu rằng, điều này sẽ giúp thu hút thêm nhiều khoản đầu tư có giá trị cao vào khu vực, xây dựng khả năng phục hồi trước các cú sốc bên ngoài, giúp các doanh nghiệp của chúng ta tận dụng thị trường lớn hơn và đa dạng hơn. Đối với Singapore, sự công nhận này cuối cùng được hình thành dựa trên niềm tin rằng, khi Việt Nam và ASEAN thịnh vượng, Singapore sẽ thịnh vượng.
Trong thời điểm khó khăn này, khi các quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với những tác động của đại dịch, hội nhập quốc tế là quan trọng hơn bao giờ hết. Thương mại tự do và các chuỗi cung ứng hiệu quả là yếu tố quan trọng để cứu vớt cuộc sống và sinh kế. Một trật tự đa phương dựa trên luật lệ vẫn cần thiết cho các quốc gia để thúc đẩy lợi ích chung của họ.
Singapore và Việt Nam có bề dày thành tích trong việc xây dựng và củng cố các liên kết kinh tế, cả song phương và đa phương. Tôi tin tưởng rằng, cả hai bên sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai.