HoREA kêu gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá hàng nghìn căn hộ tái định cư tại TP HCM
Khu tái định cư trên "đất vàng" Thủ Thiêm sau 2 lần đấu giá công khai vẫn tiếp tục ế ẩm

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, 3.790 căn hộ thuộc 5 tòa nhà chung cư (có nguồn gốc thuộc dự án căn hộ tái định cư phục vụ Dự án khu đô thị Thủ Thiêm) tại phường Bình An, TP Thủ Đức, nằm liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo ông Lê Hoàng Châu, do dự án này được quy hoạch thành hai cụm có kết cấu hạ tầng kỹ thuật độc lập nên có nhiều khả năng thành phố sẽ tổ chức 2 cuộc đấu giá với "rổ hàng" có giá trị rất lớn, nhằm mời gọi các nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh tham gia đấu giá. Vì vậy, sẽ không có phương thức đấu giá từng căn hộ cho cá nhân có nhu cầu như HoREA đề xuất trước đây. 

Sau khi đấu giá thành công, nhà đầu tư có thể chuyển các căn hộ này trở thành nhà ở thương mại. Từ đó bán căn hộ cho người tiêu dùng hoặc cải tạo nâng cấp rồi bán lại hay chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác.

Trường hợp nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư xây dựng dự án mới tại khu đất này, phải đề xuất dự án lên UBND TP và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư, về xây dựng, về quy hoạch, về kinh doanh bất động sản và phải làm nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước theo quy định.

HoREA cũng lưu ý các tập đoàn và doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý một số mặt hạn chế do có nguồn gốc là dự án nhà tái định cư như: Chất lượng công trình; chất lượng vật tư, vật liệu xây dựng, trang thiết bị so với các dự án nhà ở thương mại. Có ý kiến quan ngại về chất lượng công tác quy hoạch, thiết kế tòa nhà cũng như căn hộ và cũng có ý kiến quan ngại về các tiện ích phục vụ cư dân. Do vậy, Hiệp hội đề nghị nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ và có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bổ sung thêm các tiện ích, dịch vụ. 

Nhà mẫu khu dân cư tái định cư Bình Khánh đã xuống cấp

Nhà mẫu khu dân cư tái định cư Bình Khánh đã xuống cấp

Ngoài ra, các nhà đầu tư còn phải nghiên cứu thêm vì có thể giá khởi điểm đấu giá khá cao, hoặc nếu giá cao quá thì sẽ không hiệu quả. Có thể phải "cạnh tranh" trong đấu giá vì có khả năng có một số nhà đầu tư tham gia đấu giá; Phải chuẩn bị nguồn vốn đầu tư khá lớn, nên vấn đề mấu chốt là đánh giá "hiệu quả". 

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP HCM cho biết phiên đấu giá lần thứ 3 này đang chờ duyệt mức giá bán mới, nhưng tăng hơn so với mức giá 9.900 tỷ đồng lần trước đưa ra. Phương thức thanh toán cũng sẽ tuân theo các quy định của pháp luật.

Nghĩa là các tổ chức, cá nhân muốn mua phải đặt cọc trước 20% giá khởi điểm. Nếu trúng đấu giá, trong vòng một tháng phải nộp 50% giá trị trúng đấu giá (bao gồm 20% đã đặt cọc trước đó), 50% còn lại trong vòng 90 ngày phải thanh toán đủ.  

Chia sẻ với DĐDN, một chuyên gia cho biết, rào cản lớn nhất khiến dự án tái định cư trên “đất vàng” liên tục ế ẩm là việc thực hiện đấu thầu toàn bộ dự án với gần 4000 sản phẩm sẽ cần số tiền quá lớn mà chỉ một số ít các nhà đầu tư đủ tiềm lực.

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 theo dự đoán của các chuyên gia với mức giá khởi điểm của phiên đấu giá sắp tới được đề xuất 9.900 tỷ đồng cho 3.790 căn, tức cao hơn mức khởi điểm lần đầu 900 tỷ đồng thì nguy cơ tiếp tục “ế khách” như các đợt đấu giá trước đó là hiển hiện.

Phương Uyên
Nguồn: Diễn đàn doanh nghiệp
Link bài viết gốc