Israel thành lập chính phủ: Luồng gió mới
Sau các cuộc đàm phán đầy cam go, cuối cùng Chính phủ mới ở Israel (I-xra-en) đã được thành lập, với việc ông Naftali Bennett (N.Ben-nét), 49 tuổi, lãnh đạo đảng Yamina, được bầu làm Thủ tướng. Sự kiện này đồng nghĩa chấm dứt 12 năm cầm quyền của ông Benjamin Netanyahu (B.Nê-ta-ni-a-hu), người đã nắm giữ chức thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel. Chính phủ mới được thành lập giúp phá vỡ thế bế tắc kéo dài hai năm qua trên chính trường Israel, mở ra tia hy vọng đem lại “luồng gió mới” cho quốc gia Trung Đông này.
Chính phủ mới thứ 36 của Nhà nước Do thái đã tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bỏ phiếu thông qua đầy kịch tính tại Quốc hội Israel (Knesset), với 60 phiếu thuận, 59 phiếu chống. Được thành lập dựa trên thỏa thuận của liên minh tám đảng gồm Yesh Atid, Xanh-Trắng, Yisrael Beytenu, Lao động, Yamina, Hy vọng mới, Meretz và Ra’am, chính phủ liên kết này do ông Naftali Bennett, một cựu doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ cao, làm Thủ tướng đến tháng 8-2023, sau đó sẽ chuyển giao chức vụ này cho Chủ tịch đảng Yesh Atid, ông Yair Lapid (Y.La-pít) trong nửa nhiệm kỳ còn lại. Đây cũng là lần đầu Chính phủ Israel có sự tham gia của một đảng Arab (A-rập), đồng thời có số nữ chính khách tham gia nhiều nhất từ trước tới nay, với chín ghế trong các bộ.
Diễn biến mới trên chính trường tránh cho Israel phải tổ chức thêm cuộc bầu cử thứ năm liên tiếp trong vòng hai năm rưỡi. Đảng Likud của ông Netanyahu tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và chuyển thành đảng đối lập lớn nhất trong Knesset. Với tên gọi “Chính phủ thay đổi”, người dân hy vọng những quyết sách mới sẽ thổi luồng sinh khí vào đời sống kinh tế - xã hội ở quốc gia này. Vị thủ tướng đầu tiên là nhân vật Do thái chính thống đã cam kết nỗ lực hàn gắn bất đồng giữa các thành phần xã hội, củng cố nền tảng của một Nhà nước Do thái và dân chủ, triển khai các chương trình đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn thời hậu Covid-19.
Nhiều nước đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ chính phủ mới ở Israel. Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) gọi điện chúc mừng ông Bennett cùng các thành viên trong nội các mới của Israel. Trong cuộc điện đàm với ông Bennett, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh sự ủng hộ của ông trong nhiều thập kỷ qua đối với mối quan hệ Mỹ - Israel cũng như cam kết vững chắc của ông đối với quốc gia đồng minh. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Israel thúc đẩy hòa bình, an ninh. Ông Bennett bày tỏ mong muốn phối hợp với ông Biden để tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước. Xuất thân trong một gia đình cả cha lẫn mẹ đều là người Do thái nhập cư từ Mỹ, ông Bennett được cho là sẽ tiếp tục trở thành một đối tác tin cậy của Mỹ nhằm góp phần bảo đảm lợi ích của cả hai nước tại khu vực Trung Đông. Thủ tướng Canada (Ca-na-đa) Justin Trudeau (G.Tru-đô) cũng bày tỏ mong muốn làm việc với nhà lãnh đạo mới của Israel. Nhấn mạnh sự chia sẻ những giá trị dân chủ chung và lịch sử hợp tác lâu bền, quan hệ gần gũi giữa hai nước, Thủ tướng Trudeau khẳng định, Canada vẫn giữ vững cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước, theo đó người dân Israel và Palestine (Pa-le-xtin) cùng chung sống trong hòa bình, an ninh và ổn định. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (C.Mi-sen), Thủ tướng Đức Angela Merkel (A.Méc-ken) bày tỏ mong chờ tăng cường quan hệ đối tác giữa Liên hiệp châu Âu (EU), Đức và Israel vì sự thịnh vượng chung, hướng tới hòa bình và ổn định lâu dài tại khu vực. Tổng thống Nga Vladimir Putin (V.Pu-tin) chúc mừng Thủ tướng Naftali Bennett, đồng thời bày tỏ hy vọng vào sự hợp tác mang tính xây dựng giữa hai nước.
Chính phủ mới ở Israel đứng trước không ít khó khăn khi đối mặt loạt vấn đề đối nội và đối ngoại. Ngoài việc phải nhanh chóng đưa ra các quyết sách nhằm phục hồi nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi đại dịch, chính phủ mới còn cần nỗ lực thu hẹp những khác biệt tồn tại giữa các đảng phái trong liên minh, đồng thời đối phó những thách thức khi cựu Thủ tướng Netanyahu chuyển sang dẫn đầu phe đối lập. Mặc dù ông Netanyahu tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực êm thấm, song vẫn sẵn sàng cho sự trở lại vị trí cầm quyền khi trước đó chính ông từng đe dọa sẽ nhanh chóng lật đổ chính phủ mới. Trong khi đó, về đối ngoại, chính phủ mới vẫn sẽ đối mặt khó khăn trong giải quyết cuộc xung đột với Palestine, cũng như phải đưa ra cách tiếp cận hợp lý trong mối quan hệ vốn căng thẳng với Iran (I-ran). Với quan điểm cứng rắn của Thủ tướng Bennett đối với Palestine, ông sẽ không dễ dàng duy trì sự thỏa hiệp trong quan hệ với đồng minh Mỹ khi Tổng thống Mỹ Biden khẳng định ủng hộ giải pháp hai nhà nước và phản đối các kế hoạch mở rộng khu định cư Do thái của Israel trên các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của Palestine.
Chính trường Israel đã vượt qua “sóng gió” trong nỗ lực thành lập một chính phủ mới, song đây chỉ là bước đầu trên chặng đường gian nan tiến tới duy trì sự ổn định lâu dài. Còn không ít những khó khăn ở phía trước đang thử thách “sự chèo lái” của Thủ tướng Bennett, người phải thoát ra khỏi “cái bóng” mà người tiền nhiệm Netanyahu đã lưu lại trong suốt hơn mười năm cầm quyền, để ghi những dấu ấn mới.