Khi zero-fee đe dọa “nồi cơm” nghiệp vụ môi giới chứng khoán
Chính sách zero-fee (miễn phí giao dịch) cho thấy hiệu quả ở ngành ngân hàng, nhưng trong lĩnh vực chứng khoán, các công ty không dễ đưa phí môi giới về 0, vì đây là nguồn thu chủ lực của họ.
Cuộc đua hạ phí, miễn phí
Quý III/2016, lần đầu tiên, một ngân hàng tung ra thị trường mức phí bằng 0 với các giao dịch trực tuyến. Zero-fee là “câu chuyện lạ” mà Techcombank mang đến ngành ngân hàng thời điểm đó, thậm chí cả một thời gian dài sau đó.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, việc miễn phí chuyển tiền cho khách hàng đã được áp dụng ở hầu hết các ngân hàng. Vietcombank miễn phí chuyển tiền, duy trì dịch vụ trên ngân hàng điện tử VCB Digibank từ năm 2022. Techcombank, với quân bài tiên phong, đã thu hút lượng lớn tài khoản mở mới, nâng giá trị giao dịch qua ngân hàng, đồng thời đẩy Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) với chi phí huy động thấp tăng vọt.
Zero-fee không chỉ xuất hiện ở mảng ngân hàng, mà đã và đang “đổ bộ” trên lĩnh vực chứng khoán. Bản phương án kế hoạch huy động 10.038 tỷ đồng của Công ty chứng khoán TCBS (Techcombank sở hữu 88,8% cổ phần) một lần nữa nhắc lại cụm từ này. Trong 4 mục đích sử dụng vốn, TCBS vạch ra một số chương trình kinh doanh đột phá chuẩn bị triển khai, gồm zero-fee, iXu, eVoucher hay phương án kết nối hệ sinh thái để đáp ứng kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng thị phần và nhu cầu khách hàng trong mảng kinh doanh giao dịch cổ phiếu và vay ký quỹ.
Kế hoạch tăng vốn nói trên đến nay chưa được triển khai. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2023, phí giao dịch cổ phiếu, chứng quyền và chứng chỉ quỹ niêm yết của TCBS chỉ còn 0,03% (mức phí để TCBS thanh toán cho Sở Giao dịch chứng khoán), áp dụng với toàn bộ khách hàng (trừ nhóm được giới thiệu bởi đối tác phát triển kinh doanh).
Mới đây nhất, ngày 28/3, Công ty Chứng khoán DNSE - doanh nghiệp có bước tăng trưởng thần tốc từ mức vốn 160 tỷ đồng hồi quý II/2021, lên 3.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại - vừa công bố chính sách cấp gói miễn phí (free) cho các nhà đầu tư chỉ thực hiện giao dịch mua bán cơ bản và gói nâng cao (premium) cho phép thêm vay ký quỹ, lưu ký hay ứng trước tiền với mức phí riêng, nhưng cũng được giới thiệu là “chạm đáy” hoặc ở mức trung bình so với mặt bằng chung.
Trên thực tế, chính sách hạ phí, miễn phí đã sớm được triển khai ở một số công ty chứng khoán trong giai đoạn sôi động của thị trường vài năm qua. Tuy nhiên, việc miễn phí giao dịch thường chỉ áp dụng cho các khách hàng mở mới, trong thời điểm đặc biệt, hoặc áp dụng trong 3 - 6 tháng kể từ khi mở tài khoản.
Những năm gần đây, “cuộc đua” giảm phí khiến bảng xếp hạng thị phần môi giới chứng khoán có nhiều xáo trộn và chứng kiến sự vươn lên của nhiều gương mặt mới. Là một trong những đơn vị sớm miễn/giảm phí cho nhà đầu tư mới, VPS đã trở thành công ty chứng khoán đứng số 1 về thị phần trên sàn HoSE từ quý I/2021 và duy trì vị trí này đến nay nhờ thu hút được các nhà đầu tư cá nhân - dòng tiền làm nên “cơn sóng” của thị trường giai đoạn vừa qua.
Bài toán dài hơi
Phương án của VPS đã mang về lượng khách hàng mới không nhỏ; doanh thu từ phí giao dịch (dù chậm lại vài tháng) vẫn đổ về sau giai đoạn miễn phí. Tuy nhiên, áp dụng zero-fee không hạn định thời gian lại là một câu chuyện khác.
Với lĩnh vực ngân hàng, tỷ trọng đóng góp từ doanh thu phí thua xa khoản thu nhập từ hoạt động tín dụng, nhưng với nhiều công ty chứng khoán, doanh thu môi giới lại là “nồi cơm” chính.
Thống kê trong năm 2022, hoạt động môi giới đứng đầu trong cơ cấu doanh thu tại 18 trong khoảng 70 công ty chứng khoán. Doanh thu môi giới tại gần 70 công ty đóng góp 22% tổng doanh thu hoạt động. Con số này trong năm 2021 là 27%.
Cuộc chiến về giá đang sôi động hơn từ chiến dịch zero-fee hay chính sách free/premium mạnh tay của một vài đơn vị đang tạo nên sức ép hiện hữu với các công ty chứng khoán lớn trong cuộc đua giành thị phần.
Chia sẻ tại cuộc họp cổ đông vừa tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Điệp Tùng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) thừa nhận, thị trường đang co hẹp, trong khi số lượng công ty chứng khoán giữ nguyên, nên cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Tuy nhiên, ông Tùng khẳng định, Công ty sẽ không tham gia “cuộc đua” zero-fee. Bởi xét về lâu dài, không công ty nào có thể duy trì và làm mới hệ thống với nhiều tiện ích mà không nhận lại đồng nào.
Vị CEO này cho biết, FPTS sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng, xây dựng hệ thống công nghệ mới với sản phẩm nhiều tiện ích phục vụ nhà đầu tư và nâng cao chất lượng tư vấn.
Trên thực tế, cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ cũng là định hướng được nhiều công ty chứng khoán theo đuổi trong những năm qua. Tuy nhiên, mức phí hấp dẫn mà một số công ty chứng khoán áp dụng là yếu tố tác động mạnh đến quyết định chọn nơi đặt tài khoản của nhà đầu tư, bởi điều đó giúp họ tiết giảm phần nào chi phí trong giai đoạn khó kiếm lời hiện tại.
Thị phần môi giới nắm giữ không chỉ trực tiếp tác động đến nguồn thu nhập của công ty, mà còn là tiêu chí đánh giá mức độ uy tín của công ty đó. Ở giai đoạn tiền rẻ, đa phần các công ty chứng khoán đã nhận được khoản vốn huy động lớn từ các cổ đông. Bởi vậy, không chỉ đối diện với bài toán giữ “miếng bánh” trong một thị trường đang co hẹp, việc đảm bảo tỷ suất sinh lời, hiệu quả sử dụng vốn hay tỷ lệ cổ tức cho cổ đông cũng là bài toán khó giải của các lãnh đạo công ty chứng khoán trong bối cảnh hiện nay.