Khoa học công nghệ: Động lực then chốt trong tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững
Những năm qua, ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Tiền Giang ngày càng đóng vai trò quan trọng, trở thành động lực then chốt trong tiến trình đổi mới và phát triển. Các thành tựu KH&CN ngày càng được quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến sâu rộng trong thực tiễn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao dân trí cho người dân. Phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn với ông Dương Văn Bon – Giám đốc Sở KH&CN Tiền Giang.
Xin ông chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành KH&CN Tiền Giang trong thời gian qua?
Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN những năm qua đã bước đầu khẳng định vị trí, vai trò tiên phong trong việc chuyển tải, ứng dụng vào sản xuất và đời sống. Phần lớn các nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu đưa vào ứng dụng đã phát huy hiệu quả, đóng góp tích cực giúp tỉnh đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Tiêu biểu như:
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Nghiên cứu xây dựng các mô hình vườn sầu riêng áp dụng kỹ thuật tiên tiến phục hồi sau hạn mặn và thích ứng với xâm nhập mặn ở xã Tam Bình và Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy; Nghiên cứu các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng đàn bò thịt; Nghiên cứu xác định thành phần loài sâu đục trái mới gây hại trên bưởi, chôm chôm và biện pháp quản lý hiệu quả, an toàn;...
Trong lĩnh vực công nghệ: Nghiên cứu thiết kế chế tạo đạn cao su bắn trên súng AK, AR15 phục vụ trấn áp, giải tán đám đông; Nghiên cứu thử nghiệm giải pháp kết cấu thảm cát bảo vệ bờ sông; Ứng dụng quy trình công nghệ chiết suất tinh dầu và sản xuất cơ chất trồng nấm, giá thể đất sạch từ phế phẩm cây sả nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững vùng trồng sả,...
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội – y dược: Xây dựng mô hình can thiệp nhằm giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi – rút viêm gan B và quản lý bệnh nhân viêm gan B; Đánh giá xác định các mối nguy, đề xuất một số giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm; Nghiên cứu xây dựng mô hình trợ giúp xã hội cho người cao tuổi tại Trung tâm Công tác xã hội Tiền Giang;...
Theo ông, đến nay KH&CN đã thực sự đi sâu vào thực tế, bám sát, phục vụ cho sản xuất và đời sống?
Thời gian qua, công tác phổ biến, tuyên truyền ứng dụng các tiến bộ KH&CN hiện đại vào sản xuất, đời sống đã được triển khai rộng rãi và mang lại hiệu quả thiết thực. Trình độ nhận thức của người dân trong việc ứng dụng KH&CN cũng ngày càng được nâng lên, từng bước tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ tiên tiến và hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp, mô hình nông dân sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân và tổ chức ở địa phương được phát triển mạnh mẽ. Cụ thể:
Các kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đã thay đổi thói quen canh tác truyền thống; khai khác tối đa năng suất cây trồng; giảm dịch bệnh; cung ứng ra thị trường và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Các nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực y tế công cộng, dự phòng đã tập trung nghiên cứu nhằm nâng cao sức khỏe của nhân dân, đề xuất giải pháp chuyển giao kỹ thuật công nghệ, phòng và điều trị các bệnh trong y tế cộng đồng. Ngoài ra, các ứng dụng trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghiệp bước đầu cũng có những kết quả nhất định như: Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; sản xuất sạch hơn; áp dụng công cụ cải tiến, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế; cơ giới hóa, công nghiệp hóa;…
Bên cạnh đó, ứng dụng trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đã góp phần làm cơ sở bảo tồn và phát huy, tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hóa truyền thống hoặc làm tài liệu giảng dạy tại các trường.
Các hoạt động trên đã góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với những kết quả đã đạt được, ngành KH&CN Tiền Giang cần làm gì trong giai đoạn tiếp theo, thưa ông?
Thời gian tới, ngành KH&CN tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện hoạt động quản lý theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán;... theo hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, tái cơ cấu các nhiệm vụ KH&CN theo chuỗi giá trị sản phẩm. Hình thành các chương trình KH&CN cấp tỉnh lớn trong một số lĩnh vực trọng điểm, có thế mạnh và tiềm năng nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng trong dài hạn để phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển công nghệ; lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và tăng cường đầu tư về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN để trở thành đầu mối hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại địa phương, liên kết với quốc gia và các địa phương khác.
Đẩy mạnh hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng, ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, quốc gia, quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận/công bố hợp chuẩn/hợp quy; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia...
Trân trọng cảm ơn ông!