Kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử, bước ngoặt chuyển đổi số ngành Thuế
Lễ kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử là bước ngoặt ngành Tài chính, thuế, tạo nền tảng cơ sở dữ liệu căn cơ và quan trọng để thực hiện quản lý thuế trên nền tảng số, phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số.
Ngày 21/11, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh có Khái đánh giá, thời gian qua, ngành Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng đặc nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính thuế theo hưởng tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Công tác quản lý thuế cải cách theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả được Tổng cục Thuế, ngành Thuế đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng.
NGÀNH THUẾ BỨT PHÁ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Cụ thể, ngành Thuế cắt giảm được 194 thủ tục hành chính thuế, từ 498 thủ tục xuống còn 304 thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hoàn thành tích hợp 150 thủ tục hành chính thuế lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội đến nay chỉ còn là 384 giờ, giảm 114 giờ so với năm 2019, trong đó, riêng số giờ nộp thuế chỉ còn 237 giờ.
Được biết, việc đăng ký, kê khai thuế điện tử được triển khai khá sớm từ năm 2009. Đến năm 2015, ngành Thuế triển khai vận hành Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) trên phạm vi toàn quốc với hệ thống công nghệ thông tin hiện đại từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế đến hoàn thuế. Đến nay, tỷ lệ đăng ký thuế điện tử đạt 100%; tỷ lệ khai thuế điện tử đạt 99,9%, hoàn thuế điện tử đạt gần 98%.
Với những nỗ lực cải cách nên trên, xếp hạng về chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 63 bậc, từ vị trí 172 năm 2015 lên vị trí 109 năm 2019 trong tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế theo đánh giá độc lập của Ngân hàng Thế giới.
"Đây là một bước tiến dài. Nhờ đó, các chỉ số về môi trường kinh doanh trong lĩnh vực thuế được cải thiện rõ rệt. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp được trực tiếp hưởng lợi, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19", Phó Thủ tướng nhận định.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.
"Việc triển khai áp dụng hoá đơn điện tử mà ngành Tài chính, ngành Thuế đang thực hiện cũng góp phần vào chuyển đổi số ở Việt Nam, giúp thay đổi tích cực phương thức điều hành, lãnh đạo, quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế cũng như của các doanh nghiệp".
Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, hóa đơn điện tử đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý thuế hiện đại.
Việc chuyển đổi sang hoá đơn điện tử giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy do giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn…, giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt, việc triển khai hệ thống hoá đơn điện tử còn có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big data), mấu chốt của chuyển đổi số không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn đối với cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đồng thời, góp phần quan trọng phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới công tác quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã lập kế hoạch triển khai hóa đơn điện từ theo hai giai đoạn.
Theo đó, giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai trước tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bình Định. Giai đoạn 2, từ tháng 4-7/2022, triển khai tiếp tại 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp tại 6 địa phương áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 thời gian qua, chiếm tới 60% số lượng doanh nghiệp, khoảng 70% trên tổng số lượng hóa đơn trên cả nước giai đoạn này là vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới sự thành công trong việc áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc.
“Đây là một bước ngoặt, bước tiến vô cùng quan trọng, góp phần vào công cuộc chuyển đổi số của cơ quan Thuế, của ngành Tài chính nói riêng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia nói chung”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
CẦN NHIỀU NỖ LỰC "KHAI TỬ" HOÁ ĐƠN GIẤY
Thời gian tới, Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngành Thuế cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, quản lý thuế theo hướng công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
“Hội nghị hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm ở phía trước để bảo đảm đạt được mục tiêu 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc đến ngày 30/6/2022”.
Bên cạnh đó, hoá đơn điện tử là công nghệ mới với nhiều tiện ích vượt trội so với hóa đơn giấy, song để thay đổi một cơ chế tồn tại lâu năm là thách thức rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực vượt bậc của cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt năm nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử. Bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới.
Thứ hai, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ hiệu quả người dẫn, doanh nghiệp về hóa đơn điện tử.
Thứ ba, xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao, không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn.
Thứ năm, cơ quan Thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại diện tử, giao dịch xuyên biên giới..., kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số tại địa phương, trong đó triển khai áp dụng hoá đơn điện tử tại địa phương là một trong các giải pháp quan trọng thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về hoá đơn điện tử đến toàn bộ cộng đồng người dân, doanh nghiệp.
Từ đó, giúp họ hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng hoá đơn điện tử. Đồng thời, mở rộng các kênh tương tác để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh về hoá đơn điện tử.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
“Bộ Tài chính nói chung và ngành Thuế nói riêng luôn chú trọng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, tập trung triển khai giải pháp chuyển đổi số, từng bước hình thành nền Tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại.
Theo đó, Bộ Tài chính đã và đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển bốn nền tảng đóng vai trò “trụ cột” trong xây dựng phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số. Một là, nền tảng cơ sở dữ liệu Tài chính, trong đó dữ liệu hóa đơn là hết sức quan trọng. Hai là, nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu ngành Tài chính. Ba là, nền tảng điện toán đám mây và hạ tầng truyền thông thống nhất ngành Tài chính. Bốn là, nền tảng định danh và xác thực điện tử.
Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số trong suốt những năm vừa qua được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả Bộ Tài chính đứng đầu Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay”.