Làn sóng từ chức của các sếp công nghệ Trung Quốc
Trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc siết chặt giám sát với lĩnh vực công nghệ thời gian gần đây, nhiều “sếp” doanh nghiệp đình đám của nước này đã lần lượt rút khỏi vị trí điều hành...
Những năm gần đây, Bắc Kinh đã mở hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào các “đại gia” công nghệ, tăng cường giám sát về an ninh dữ liệu cũng như hạn chế người tiêu dùng sử dụng các nền tảng internet và game.
Chiến dịch siết giám sát này gây tác động không nhỏ tới tâm lý của nhà đầu tư cũng như lợi nhuận của các doanh nghiệp. Tháng trước, Alibaba và hãng công nghệ Tencent đều báo cáo mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất từ trước đến nay.
JD.com cũng vừa có năm lỗ đầu tiên trong 3 năm. Hãng này cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác của Trung Quốc đều phải sa thải hàng nghìn nhân viên.
“Động lực chính cho việc này là chính trị. Giờ đây, những tường thành này cần mở đường cho tầng lớp kế nhiệm mình”, giáo sư Naubahar Sharif tại Đại học Công nghệ và Khoa học Hồng Kông nhận định khi nói về làn sóng từ chức của các lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Dưới đây là những “sếp” lớn công nghệ Trung Quốc rời vị trí điều hành công ty thời gian qua.
RICHARD LIU – NGƯỜI SÁNG LẬP JD.COM
Richard Liu - Ảnh: Getty Images
Ông Liu, được mệnh danh là “Jeff Bezos của Trung Quốc,” từ chức CEO của JD.com vào ngày 7/4/2022. Trong thông cáo về việc này, JD cho biết ông Liu vẫn sẽ giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị công ty và “tiếp tục tập trung vào việc định hướng chiến lược dài hạn của công ty, cố vấn cho đội ngũ quản lý trẻ và đóng góp vào sự hồi sinh của các khu vực nông thôn ở Trung Quốc”.
Ông Liu thành lập JD.com, còn được gọi là Jingdong – là một cửa hàng bán lẻ đồ điện tử và linh kiện máy tính vào năm 1998. Đại dịch SARS năm 2003 đã buộc ông phải chuyển hoạt động kinh doanh lên nền tảng trực tuyến. Công ty này niêm yết cổ phiếu tại sàn Nasdaq (Mỹ) năm 2014, huy động được 1,8 tỷ USD.
Bên cạnh những áp lực về chính sách của Chính phủ, ông Liu cũng gặp rắc rối vì vấn đề đời tư. Năm 2018, ông bị một sinh viên Đại học Minnesota (Mỹ) cáo buộc quấy rối tình dục. Sau đó, các công tố viên tại Mỹ đã hủy bỏ các cáo buộc chống lại ông do không có đủ bằng chứng. Tuy nhiên, năm 2019, sinh viên nói trên đã đâm đơn kiện dân sự chống lại Liu ở Mỹ.
ZHANG YIMING – NGƯỜI SÁNG LẬP BYTEDANCE (CÔNG TY MẸ TIKTOK)
Zhang Yiming - Ảnh: Reuters
Zhang từ chức chủ tịch Bytedance – startup được định giá cao nhất thế giới – vào tháng 11/2021, sáu tháng sau khi ông từ chức CEO. Được biết đến đến là người đặc biệt kín tiếng, trong thông báo về việc từ chức, Zhang cho biết ông không phải là người “quảng giao” và thiếu kỹ năng để trở thành một người quản lý tốt.
Quyết định của Zhang được đưa ra trong bối cảnh Bytedance chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng Trung Quốc. Đầu năm 2021, Bytedance quyết định hủy kế hoạch niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) của mình sau khi các nhà chức trách yêu cầu công ty này giải quyết các rủi ro về an ninh dữ liệu, theo tin từ Wall Street Journal.
COLIN HUANG – NGƯỜI SÁNG LẬP PINDUODUO
Colin Huang - Ảnh: Getty Images
Huang bất ngờ rút khỏi vị trí chủ tịch của hãng thương mại điện tử Pinduoduo vào tháng 3/2021, giữa lúc công ty này vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội vì văn hóa làm việc độc hại.
Vào tháng 12/2020, một nhân viên của Pinduoduo đã tử vong sau khi rời công ty vào lúc 1h30 sáng. Nguyên nhân cái chết của người này được cho là do làm việc quá sức. Chưa đầy hai tuần sau đó, một nhân viên khác của công ty tự tử do áp lực công việc. Pinduoduo không đưa ra bình luận về cái chết của hai nhân viên này.
Theo thông cáo của công ty, Huang từ chức chủ tịch để tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo mới dẫn dắt công ty trong giai đoạn tăng trưởng mới.
SU HUA – NGƯỜI SÁNG LẬP KUAISHOU
Su Hua - Ảnh: Getty Images
Tháng 10/2021, Su từ chức CEO của Kuaishou – nền tảng chia sẻ video ngắn Kuaishou. Cả Su và Kuaishou đều không đưa ra lý do cho quyết định này, nhưng theo một thông cáo báo chí, ông “không có bất đồng với hội đồng quản trị công ty”. Sau đó, ông chuyển sang giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Kuaishou là đối thủ của Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok và cũng thuộc sở hữu của Bytedance.
Quyết định từ chức của Su được đưa ra sau khi các nhà chức trách Trung Quốc xử phạt Kuaishou và nhiều công ty internet vào tháng 7 cùng năm vì chia sẻ các video khiêu dâm có trẻ em trên nền tảng của mình, theo Bloomberg.
JACK MA – NGƯỜI ĐỒNG SÁNG LẬP ALIBABA
Jack Ma - Ảnh: Forbes
Trong hơn hai thập kỷ, Jack Ma đã đưa Alibaba từ một startup công nghệ nhỏ kinh doanh thương mại điện tử trở thành một “đế chế” trị giá 460 tỷ USD hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ tài chính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo. Alibaba hiện có hơn 100.000 nhân viên. Alibaba có thương vụ IPO lớn nhất thế giới khi niêm yết tại Mỹ năm 2014, huy động được 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Ma đã dần giảm vai trò điều hành của mình tại Alibaba. Năm 2013, ông từ chức CEO nhưng vẫn giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị. Năm 2019, ông từ chức chủ tịch và cuối cùng vào năm 2020, ông rút hẳn khỏi hội đồng quản trị tập đoàn này.
Dù không còn nắm giữ các vị trí điều hành chính thức, Ma được cho là vẫn có vai trò kiểm soát đáng kể đối với Alibaba thông qua vị trí hiện tại ở Alibaba Partnership – một hội đồng có vai trò bầu ra phần lớn thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn.
Sau bài phát biểu “vạ miệng” vào tháng 10/2020 – khi Ma chỉ trích hệ thống tài chính của Trung Quốc, ông gần như biến mất khỏi truyền thông. Trong những lần xuất hiện hiếm hoi, ông tham gia các sự kiện xã hội không liên quan tới Alibaba.