Nhiều sáng kiến đưa thu ngân sách năm 2022 ước vượt dự toán trên 20%
Nhiều sáng kiến quan trọng triển khai trong năm 2022 trong quản lý thu ngân sách như: đẩy mạnh tăng thu trên nền tảng số, thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc...

Ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc giao ban tổng kết công tác tháng 11 và triển khai nhiệm vụ tháng cuối năm.

NỖ LỰC ĐƯA THU NGÂN SÁCH VƯỢT DỰ TOÁN 16%

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 11 tháng năm 2022, thu ngân sách đạt 1.638,9 nghìn tỷ đồng, vượt 16,1% dự toán và giữ tốc độ tăng trưởng khả quan 17,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngân sách trung ương ước đạt 114,9% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 117,4% dự toán.

Về phía chi, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 11 ước đạt 154,5 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 11 tháng ước đạt 1.359 nghìn tỷ đồng, bằng 76,2% dự toán, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 338,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán Quốc hội quyết định, mới đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi thường xuyên ước đạt 935,7 nghìn tỷ đồng, bằng 84,2% dự toán. Còn chi trả nợ lãi ước đạt 82,8 nghìn tỷ đồng, bằng 79,8% dự toán.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, sau 11 tháng đã có 57/64 đơn vị hoàn thành và vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022;  17/19 khoản thu đạt cao.

Dự báo kinh tế năm tới có nhiều thách thức, hiện Tổng cục Thuế đang tiếp tục chỉ đạo điều hành, đảm bảo thực hiện thu cho cả năm 2022 nhưng không gây khó cho năm 2023.

Liên quan đến công tác thanh tra, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cũng như trực tiếp triển khai trên 800 đơn vị thanh tra giá chuyển nhượng. Kết quả thu được đáng khích lệ khi xử lý gần 2.000 tỷ đồng, giảm lỗ trên 18.000 tỷ đồng.

Thông tin về hỗ trợ thuế, phí cho doanh nghiệp và người dân đến hết tháng 11, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện gia hạn được 105 nghìn tỷ đồng; thực hiện miễn, giảm khoảng 62.000 tỷ đồng.

Như vậy, tính đến hết tháng 11, toàn ngành đã triển khai miễn, giảm, gia hạn tiền thuế được 168 nghìn tỷ đồng. Tổng cục Thuế đang tiếp tục chỉ đạo thu số thuế gia hạn trong tháng 12 khoảng 23 nghìn tỷ đồng.

Đối với công tác cải cách hiện đại hóa, báo cáo của Tổng cục Thuế cho hay đến ngày 30/11 số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử đã lên đến 2,1 tỷ hóa đơn điện tử.

Bên cạnh đó,  63 tỉnh, thành tổ chức triển khai hóa đơn may mắn. Hiện Tổng cục Thuế đang hoàn thiện hệ thống hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền và xây dựng cổng dữ liệu thông tin thương mại điện tử, sẽ được công bố trong tháng 12. 

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn, cho hay từ nay đến cuối năm Tổng cục Thuế tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thu bám sát tình hình địa bàn, đặc biệt là một số đơn vị có tỷ lệ thu thấp do thực hiện chính sách miễn giảm; nỗ lực đảm bảo 64 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2022 và tổ chức triển khai nhiệm vụ cho năm 2023.   

Với ngành hải quan, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết hết tháng 11 thu ngân sách toàn ngành đạt 401 nghìn tỷ đồng, bằng 114% dự toán, bằng 95,5% chỉ tiêu phấn đấu và tăng tới 14,28% so với cùng kỳ năm trước.

Dự kiến, năm 2022 thu ngân sách của ngành hải quan tăng khoảng 15.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu phấn đấu.

"Năm 2022 có lẽ là năm thành công khi cán bộ hải quan vừa thực hiện kiểm tra xác minh bắt giữ chuyên nghiệp hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với công an và biên phòng trong việc bắt giữ các vụ án liên quan đến gian lận buôn lậu, ma túy, xăng dầu, vận chuyển tiền ra nước ngoài”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay.

NHIỀU THÁCH THỨC ĐÓN ĐẦU NĂM 2023

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định ngành tài chính đã nỗ lực điều hành chính sách tài khóa, đóng góp quan trọng vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội.

Đặc biệt, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong khó khăn, ngành tài chính đã có nhiều sáng kiến quan trọng trong quản lý thu ngân sách như: đẩy mạnh tăng thu trên nền tảng số, thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc, giúp thay đổi cơ bản cục diện trong quản lý thu thuế, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, thực hiện nghiêm thu thuế chuyển nhượng bất động sản, quản lý nợ công tốt, trả nợ đúng hạn…

“Đến thời điểm này, toàn ngành cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dự kiến hết năm 2022 thu ngân sách nhà nước vượt trên 20% dự toán”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Tuy nhiên, qua theo dõi số thu ngân sách nhà nước và các dữ liệu khác cho thấy số thu ngân sách nhà nước có sự sụt giảm, bắt đầu từ tháng 7, lãi suất cho vay đang tăng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn và hiện đã có doanh nghiệp phải cắt giảm đơn hàng, thu hẹp sản xuất…

“Tất cả điều này cho thấy 2023 sẽ là năm đầy thách thức, khó khăn ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước”, Bộ trưởng đánh giá. Đây cũng là vấn đề mà Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan cần đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, toàn ngành trong tháng cuối năm này cần tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đề ra trong năm, tạo đà cho năm 2023.  

Trước những khó khăn kép mà nền kinh tế đang phải đối phó từ sức ép bên ngoài do bối cảnh thế giới và nội tại từ bên trong nền kinh tế Việt Nam, ngành thuế xác định thu ngân sách sắp tới sẽ đối diện với những áp lực lớn.

Do đó, ngay từ bây giờ, toàn ngành đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu không chỉ trong tháng cuối năm 2022 mà cho cả năm 2023.

Đặc biệt, ngành thuế sẽ theo dõi sát sức khỏe doanh nghiệp để nhận diện đúng nhũng rủi ro mà kinh tế trong nước sẽ phải đối mặt để tham mưu cho Chính phủ nhanh chóng có các giải pháp căn cơ về tài khoá, đầu tư, kiểm soát lạm phát, để kịp thời giảm thiểu những tác động từ "cú sốc" bên ngoài đến kinh tế trong nước.

Từ đó giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng nền kinh tế để cập nhật các kịch bản tăng trưởng và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.

Trâm Anh
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc