Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay dịp cuối năm
Hai ngân hàng trong số hàng chục đơn vị của hệ thống tổ chức tín dụng bắt đầu triển khai chương trình giảm lãi suất tiền vay trong bối cảnh lãi suất tăng cao...
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) vừa công bố giảm lãi suất đối với 43.000 khách hàng ở một số lĩnh vực kinh doanh.
Cụ thể, từ nay đến 31/12/2022, HDBank giảm lãi suất cho vay lên đến 3,5%/năm (chương trình đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau, với số tiền giảm lãi suất lên tới 120 tỷ đồng. Chương trình này được áp dụng đối với các khoản ký hợp đồng kể từ 1/11 đến 31/12/2022.
Các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp đều đang bị tắc nghẽn, doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, một phần do ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, một phần do doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn. TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. |
Đối với khách hàng cá nhân, ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho khách hàng vay sản xuất kinh doanh và nông nghiệp nông thôn với mức lãi suất giảm 0,5% - 3,5%/năm. Theo ước tính, sẽ có 38.000 khách hàng cá nhân trên cả nước với 45.000 khoản vay được giảm lãi suất.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, mức giảm lãi suất từ 0,5-2,5%/năm với các lĩnh vực: xuất nhập khẩu; các khu chế xuất, khu công nghiệp; nông nghiệp; giao thông vận tải; khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ; siêu nhỏ; công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, giáo dục đào tạo; dịch vụ thông tin; lưu trú ăn uống. Ngân hàng này ước tính, có khoảng 5.000 khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với gần 10.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất.
Như vậy, sẽ có hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay sẽ được giảm lãi suất với số tiền lên tới 120 tỷ đồng. Để hỗ trợ thêm, ngân hàng cũng cam kết miễn, giảm các loại phí kèm theo như phí cam kết rút vốn, phí trả nợ trước hạn cho khách hàng.
Trước HDBank, ngày 24/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay với mức giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay VNĐ cho các khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu kéo dài từ 01/11/2022 đến hết 31/12/2022.
Tuy nhiên, chính sách giảm lãi suất nói trên không áp dụng với các khoản vay chứng khoán, vay kinh doanh bất động sản, vay cầm cố giấy tờ có giá….
"Đây là hành động thiết thực, thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực vì mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch", đại diện Vietcombank nói.
Trong bối cảnh hiện nay, lãi suất tăng cao là vấn đề đáng quan tâm nhất bởi sự lựa chọn ưu tiên tỷ giá và lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong buổi đối thoại chuyên đề: "Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức ngày 21/11/2022, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, ví tình trạng lãi suất cao và căng thẳng thanh khoản hệ thống như là "nền kinh tế khô máu".
Ông cho rằng các kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp đều đang bị tắc nghẽn, doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, một phần do ngân hàng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng, một phần do doanh nghiệp không còn đủ điều kiện vay vốn.
Ngoài ra, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc khiến các công ty cũng phải hủy kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn. Kênh trái phiếu đã bị tắc và huy động vốn không được, nhiều doanh nghiệp phải chạy vạy kiếm tiền để thanh toán lãi cho trái chủ khi đến kỳ hạn…
Nhìn chung, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, với việc với nhà điều hành quá tập trung kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá đã cho thanh khoản của nền kinh tế, thanh khoản của các doanh nghiệp bắt đầu suy kiệt. Do đó, chuyên gia kiến nghị, Chính phủ nên nhanh chóng chuyển từ mục tiêu ổn định tỷ giá sang giai đoạn “truyền máu” thông qua nới "room" tín dụng và nới một chút cung tiền.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc chuyển sang giai đoạn “truyền máu” cần một khoảng thời gian nhất định để ngân hàng có thể huy động đủ nguồn lực cũng như xem xét khách hàng vay. Thực tế cho thấy, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có nới hêm "room" tín dụng thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm khi tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm đạt 11,5% nhưng vốn huy động chỉ tăng 4,8%. Nói cách khác, vấn đề hiện tại là thanh khoản hệ thống.