Nở rộ mô hình đầu tư bất động sản mua chung
Phương thức đầu tư bất động sản chia nhỏ, đầu tư chung thông qua các ứng dụng (app) đang nở rộ thời gian gần đây. Tuy nhiên, khung khổ pháp lý cho hình thức đầu tư này chưa rõ ràng.
Xuất hiện các nhà đầu tư “siêu nhỏ”
Có khi chỉ cần số vốn vài triệu đồng là nhà đầu tư đã có thể góp vốn vào một sản phẩm bất động sản trị giá vài tỷ đồng.
Chẳng hạn, một căn hộ chung cư có giá 3 tỷ đồng được chưa thành 100 phần, mỗi phần 30 triệu đồng, khách hàng có thể mua 1 hoặc nhiều phần. Thậm chí, khi nhà đầu tư góp vốn, khách hàng còn được cam kết lợi nhuận hàng năm để đảm bảo nhà đầu tư vẫn có thu nhập ổn định trong trường hợp thị trường biến động bất lợi… là mô hình đầu tư chung, đầu tư chia nhỏ trên thị trường hiện nay.
Đơn cử, KS Finance - thành viên của Sunshine Group cũng từng triển khai mô hình mua chung sản phẩm bất động sản của Sunshine Homes. Theo đó, với số vốn từ 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án bất động sản hạng sang đến siêu sang của Sunshine Homes. Lợi suất đầu tư cam kết 11%/năm.
Moonka cũng triển khai hoạt động mua chung trên nền tảng công nghệ mã hóa. Mỗi sản phẩm bất động sản có thể được chia thành 1.000 phần, công ty này đã gọi vốn thành công cho 3 dự án bất động sản tại Cần Giờ (TP.HCM) và Bảo Lộc, Bảo Lâm (Lâm Đồng). Mỗi dự án đều có thời gian đầu tư 6 tháng, với mức lợi nhuận kỳ vọng 15 - 18%. Kết quả là, doanh nghiệp này đã kêu gọi thành công gần 30 nhà đầu tư tham gia.
Theo danh mục chuẩn bị được mở bán, Moonka hướng đến nhiều sản phẩm bất động sản như căn hộ, đất nền... và dự kiến đều chia nhỏ thành khoảng 1.000 phần đầu tư cho một sản phẩm bất động sản.
Houze Invest thuộc Houze Group đã gọi vốn thành công nhiều căn hộ Astral City - Tháp Gemini ở tỉnh Bình Dương với số vốn chỉ từ 1 triệu đồng, lợi nhuận đầu tư được dự kiến khoảng 10 - 11%/năm. Công ty sắp mở bán thêm các dự án khác ở Vũng Tàu, Long An, Bình Thuận.
Hay như mới đây, một “ông lớn” trong ngành bất động sản cũng bắt tay vào việc chia nhỏ bất động sản để bán. Cụ thể, phương thức hoạt động của công ty này là sẽ đầu tư một số lượng nhất định các bất động sản sẵn có hoặc hình thành trong tương lai của một chủ đầu tư có uy tín, sau đó, giá trị bất động sản được chia thành 50 phần và các khách hàng có thể tham gia đầu tư từng phần thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Các nhà đầu tư hợp tác thì sẽ được công ty chứng nhận quyền tài sản và được phân chia lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư. Đồng thời, nhà đầu tư sẽ được hưởng toàn bộ lợi ích từ việc gia tăng giá trị của bất động sản trong thời gian đầu tư.
Hấp dẫn hơn nếu khung pháp lý rõ ràng
Dù mô hình này không mới trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, khung pháp lý cho việc hoạt động này hiện vẫn chưa rõ ràng. Điều này khiến quyền lợi của nhà đầu tư không được đảm bảo khi xảy ra sự cố.
Ông Phạm Lâm, nhà sáng lập Houze Group cho biết, doanh nghiệp đã triển khai hình thức đầu tư bất động sản mua chung nhiều người thông qua nền tảng Houze Invest được gần 2 năm, đến nay Houze Invest đã có 9 sản phẩm bất động sản được nhà đầu tư tham gia với tổng giá trị hơn 21 tỷ đồng.
“Houze Invest là hoạt động hợp tác đầu tư mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững, nhà nước cần bổ sung hành lang pháp lý, các quy định cụ thể nhằm mang lại hiệu quả, cũng như bảo vệ lợi ích cho các bên tham gia”, ông Lâm nói và cho biết thêm, mô hình này tạo ra các giá trị mới, khai thác được những tiềm năng trên thị trường bất động sản về nguồn vốn nhỏ, cũng như thỏa mãn nhu cầu đầu tư bất động sản của nhiều người có nguồn vốn nhỏ.
“Tin hay không thuộc vào mỗi người, nhưng nhà đầu tư tham gia góp vốn phải có kiến thức để hiểu được giá trị mà mô hình này mang lại, còn không hiểu thì sẽ cho rằng nó không an toàn”, ông Phạm Lâm nhấn mạnh.