Nỗi lo “chiến tranh lạnh” dịu bớt sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Bali ngày 14/11 - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên kéo dài 3 giờ đồng hồ vào ngày 14/11, thảo luận về những vấn đề gai góc trong quan hệ song phương như Đài Loan và Triều Tiên, trong nỗ lực ngăn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc “chiến tranh lạnh” mới.

Theo tin từ Reuters, trong lúc bất đồng còn âm ỉ về các vấn đề nhân quyền, chiến tranh Nga-Ukraine và hỗ trợ doanh nghiệp mỗi nước, hai nhà lãnh đạo đã cam kết tăng cường liên lạc. Sau cuộc gặp thượng đỉnh, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tới Bắc Kinh để có các cuộc thảo luận nối tiếp với giới chức Trung Quốc.

“Chúng tôi cạnh trạnh tranh mạnh mẽ, nhưng tôi không tìm kiếm xung đột. Tôi muốn quản lý sự cạnh tranh này một cách có trách nhiệm”, Reuters dẫn lời ông Biden tại họp báo sau cuộc gặp với ông Tập bên lề thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) ở Bali, Indonesia.

Trong một tuyên bố sau cuộc họp, ông Tập gọi Đài Loan là “giới hạn đỏ đầu tiên” không được phép vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung - truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Ông Biden cho biết ông đã đảm bảo với ông Tập rằng chính sách của Mỹ về vấn đề Đài Loan chưa hề thay đổi. Trong chính sách đã duy trì nhiều thập kỷ này, Washington vừa dành sự ủng hộ đối với lập trường “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, vừa hỗ trợ quân sự cho Đài Loan.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nói không cần thiết phải có một cuộc “chiến tranh lạnh” mới và ông cũng không nghĩ Trung Quốc đang có kế hoạch cho một cuộc “chiến tranh nóng” với Đài Loan.

Về vấn đề Triều Tiên, ông Biden nói rất khó để biết liệu Bắc Kinh có ảnh hưởng gì đối với việc Bình Nhưỡng thử vũ khí hay không. “Rất khó để nói chắc chắn là Trung Quốc có kiểm soát Triều Tiên hay không”, ông nói và cho biết đã nói với ông Tập rằng Mỹ sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để bảo vệ bản thân và hai nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản.

“Chúng tôi sẽ phải có những hành động nhất định mang tính tự vệ cao hơn cho bản thân, để gửi đi một thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên. Chúng tôi sẽ bảo vệ đồng minh của mình, cũng như lãnh thổ Mỹ và năng lực Mỹ”, ông Biden phát biểu.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden là ông Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ đề cập với ông Tập về khả năng Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực - một điều mà Bắc Kinh không muốn chứng kiến. Trước đó, Trung Quốc đã ngừng một loạt kênh đối thoại chính thức với Mỹ, bao gồm các cuộc thảo luận về chống biến đổi khí hậu và đối thoại giữa quân đội hai nước, do chuyến thăm Đài Loan hồi tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi khiến Bắc Kinh nổi giận.

Sau cuộc gặp thượng đỉnh, Nhà Trắng cho biết ông Biden và ông Tập đã nhất trí nối lại các kênh đối thoại về khí hậu, giảm nợ cho các nước nghèo, và một số vấn đề khác.

Điểm nổi bật nhất trong tuyên bố của ông Tập sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ là những cảnh báo liên quan đến vấn đề Đài Loan.

“Vấn đề Đài Loan nằm ở phần rất lõi trong lợi ích lõi của Trung Quốc, là hòn đá tảng trong nền móng chính trị của quan hệ Trung-Mỹ, và là giới hạn đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Trung-Mỹ”, thông tấn Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập. “Giải quyết những câu hỏi về Đài Loan là một vấn đề đối với người Trung Quốc và là chuyện nội bộ của Trung Quốc”.

Trước khi bước vào hội đàm, hai nhà lãnh đạo tươi cười và bắt tay tại một khách sạn ở Bali. Cuộc gặp diễn ra một ngày trước thượng đỉnh G20, sự kiện được cho là sẽ dành nhiều thời gian cho vấn đề căng thẳng xung quanh chiến tranh Nga-Ukraine. “Rất vui được gặp ngài”, ông Biden nói với ông Tập.

Mối quan hệ Mỹ-Trung đã xấu đi nhiều trong những năm gần đây, khi mâu thuẫn song phương gia tăng trong một loạt vấn đề từ Hồng Kông, Đài Loan tới Biển Đông và Tây Tạng, từ thương mại cho tới những hạn chế mà Mỹ áp đặt lên các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức Mỹ tiết lộ rằng trong hai tháng qua, cả Washington và Bắc Kinh đều âm thầm nỗ lực cải thiện quan hệ.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh ở Bali, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói với báo giới rằng lần gặp này của hai nhà lãnh đạo nhằm mục đích ổn định quan hệ song phương và tạo ra một “bầu không khí chắc chắn hơn” cho doanh nghiệp Mỹ.

An Huy
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc