Quy hoạch tỉnh Bình Dương trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ, đô thị thông minh
Thành phố mới tỉnh Bình Dương cách TP.HCM 40 km.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng (VIUP) tổ chức hội thảo đầu kỳ Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh.

Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh; trung tâm công nghiệp hiện đại; trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á; là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững; là một trong các địa phương đi đầu trong hoàn thành mục tiêu phát thải trung tính "Net-zero 2050".

Trên cơ sở đó, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh dựa trên 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp; dịch vụ; đô thị thông minh, sinh thái), 01 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ) cùng 6 yếu tố hỗ trợ: Nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được đảm bảo; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.

Các đại biểu tham dự hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: PC.

Các đại biểu tham dự hội thảo quy hoạch tỉnh Bình Dương tầm nhìn đến năm 2050 - Ảnh: PC.

Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương phát triển trở thành vùng đổi mới sáng tạo, gồm: 01 trục phát triển; 02 hành lang sinh thái; 03 vành đai liên kết; 04 phân vùng phát triển.

Trong đó, 01 trục phát triển là phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn; Cao tốc Chơn Thành – TP.Hồ Chí Minh; đường sắt Dĩ An – Lộc Ninh; đường sắt đô thị Suối Tiên – Bàu Bàng... làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

02 hành lang sinh thái gồm: Hành lang sinh thái phía Đông gắn với trục sông Đồng Nai và hành lang sinh thái phía Tây gắn với trục sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng sẽ phát triển dựa trên bảo vệ và phát huy các giá trị sinh thái, phát triển các cơ sở hạ tầng phục vụ vận tải đường thủy, phát triển các khu đô thị dịch vụ sinh thái, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, khu nông nghiệp sinh thái kết hợp hỗ trợ du lịch.

03 vành đai liên kết: Phát triển mở rộng không gian đô thị, chức năng và khung hạ tầng gắn với 3 vành đai liên kết của vùng TP.Hồ Chí Minh gồm: Vành đai 3, vành đai 4 và vành đai 5.

04 phân vùng phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm (TP.Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên) là nơi tập trung dân cư chủ yếu, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ.

Vùng đô thị vệ tinh (huyện Bàu Bàng) trọng tâm của vùng đổi mới sáng tạo, phát triển đô thị đầu mối phân phối lưu thông giữa Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh.

Tiểu vùng phía Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo): Phát triển kinh tế sinh thái, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên với trục kinh tế Đông Nam Bộ, khai thác hành lang vận tải, sinh thái sông Đồng Nai.

Tiểu vùng phía Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng): Phát triển kinh tế sinh thái, du lịch ven sông Sài Gòn và hồ Dầu Tiếng, hỗ trợ phát triển công nghiệp, logistics ven tiểu vùng Trung tâm, kết nối Tây Nguyên –Tây Nam bộ, kết nối Tây Ninh - trục kinh tế Đông Nam bộ.

Theo ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương,  hầu hết các dự báo về dân số của đơn vị tư vấn đều thấp hơn so với dự báo của ngành xây dựng. Do đó, đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ về tốc độ đô thị hoá, quy mô dân số để tổ chức tái thiết không gian đô thị phù hợp trong giai đoạn tới.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, khai thác sâu về hệ thống giao thông kết nối không gian đô thị, xử lý tình trạng ngập nước, quy hoạch nghĩa trang, xử lý chất thải, nước thải, nhất là định hướng phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn và sông Đồng Nai…

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cho rằng đơn vị tư vấn làm rõ hơn các động lực phát triển một cách trọng tâm, không dàn trải; Các chiến lược phát triển phải được cụ thể hóa thông qua phân bổ không gian đô thị và các dự án hạ tầng cụ thể, đảm bảo tính khả thi và mang lại hiệu quả cao.

Song song với phát triển kinh tế, cần có những hướng đi, giải pháp hữu hiệu trong phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống tinh thần cho người dân ngang tầm với phát triển kinh tế, để Bình Dương là một nơi đáng sống.

Ban Mai
Nguồn: VnEconomy
Link bài viết gốc