Sửa Nghị định 82 để tháo những nút thắt trong phát triển khu công nghiệp
Vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế khiến doanh nghiệp khó khăn trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến tốc độ phát triển khu công nghiệp.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy đến hết tháng 5/2021, đã có 394 khu công nghiệp được thành lập (bao gồm 351 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 35 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 121,9 nghìn ha.
Trong số 394 khu công nghiệp được thành lập, có 286 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 86 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 57,3 nghìn ha; và 108 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35,9 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 23,6 nghìn ha.
Việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam thời gian qua được đánh giá là đã tạo điều kiện để thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tại hội thảo “Góp ý sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế” ngày 21/9, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường chỉ ra những tồn tại, bất cập trong phát triển khu công nghiệp trong thời gian qua.
Một là, quy hoạch khu công nghiệp chưa đảm bảo tiếp cận cảnh quan, hệ sinh thái, dựa trên nền tảng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hài hòa và bền vững.
Hai là, việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn thiếu sự thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh.
Ba là, một số khu công nghiệp triển khai không đúng tiến độ nên diện tích đất sử dụng cho dự án chưa được khai thác.
Bốn là, việc bố trí đất đai cho các khu công nghiệp nhiều nơi còn chưa hợp lý và tiết kiệm.
Năm là, công tác đền bù giải phóng mặt bằng ở một số khu công nghiệp còn khó khăn, ảnh hưởng tới tốc độ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và làm chậm tiến độ khai thác quỹ đất khu công nghiệp. Đặc biệt, nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn và bức xúc.
Sáu là, việc phát triển nhanh các khu công nghiệp trong thời gian qua đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường. Lượng rác thải và các chất gây ô nhiễm môi trường cũng gia tăng, gây tác hại đến sức khỏe người dân, ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng bền vững của đất nước.
Bảy là, nhiều dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai chưa được rà soát, xử lý kịp thời. Một số dự án chậm triển khai nhiều năm mà không bị thu hồi cũng như chưa có hướng xử lý.
Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp là 4,61 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê là tương đối thấp. Cùng với đó tình trạng dự án chậm triển khai, xin giao đất, cho thuê đất vượt quá nhu cầu còn khá phổ biến, làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có những sự tác động không nhỏ đến việc định hướng phát triển khu công nghiệp.
Việc tham gia WTO, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới là bàn đạp cho thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng đòi hỏi Việt Nam cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật.
Do đó, Việt Nam phải xây dựng được các chính sách ưu đãi đặc biệt để đảm bảo thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp một cách hiệu quả nhưng vẫn không trái với các cam kết với quốc tế.
“Chúng tôi mong chờ Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế sẽ được sửa đổi một cách toàn diện, khắc phục được những bất cập trên, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực đầu tư cho hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Từ đó, tạo điều kiện thu hút những dự án có chất lượng cao, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới", ông Phòng nhấn mạnh.