Thiếu điện ở Trung Quốc khiến doanh nghiệp nước ngoài "di cư" sang Đông Nam Á
Việc cắt điện trên diện rộng ở Trung Quốc khiến doanh nghiệp nước ngoài tăng tốc dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác.
Nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã hạn chế sử dụng điện hoặc thậm chí yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động sản xuất trong nhiều ngày qua.
Theo phản ánh của đài CNBC, các biện pháp hạn chế sử dụng điện được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với tình trạng thiếu than cho sản xuất điện và chính quyền các địa phương chịu áp lực ngày càng lớn từ lời kêu gọi của chính phủ Trung Quốc về việc thực hiện cắt giảm lượng phát thải carbon.
"Một số công ty đã gặp rào cản trong việc đầu tư vào Trung Quốc. Họ quyết định hiện chưa xúc tiến đầu tư vội", ông Johan Annell, đối tác cấp cao tại Asia Perspective cho biết. Asia Perspective là công ty chuyên tư vấn đầu tư cho doanh nghiệp Bắc Âu đang hoạt động ở Đông Á và Đông Nam Á.
Ông Johan Annell tiết lộ, hàng chục triệu USD giá trị các khoản đầu tư kinh doanh đã được doanh nghiệp nước ngoài lên kế hoạch rót vào Trung Quốc, bởi đây vẫn là một "điểm đến hấp dẫn" đối với lĩnh vực sản xuất. Thế nhưng, những bất ổn liên quan đến năng lượng ở Trung Quốc đã khiến nhiều nhà đầu tư hiện tìm phương án đầu tư thay thế vào Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
"Sự bất ổn (khủng khoảng điện) mà thực tế là không ai biết tình hình tổng thể ra sao, diễn biến như thế, nó sẽ được giải quyết thế nào trong vài tháng tới ở chính xác thành phố/tỉnh mà họ đầu tư", ông Annell trích dẫn những băn khoăn trong các cuộc trao đổi với khoảng 100 doanh nghiệp có ý định đầu tư vào Trung Quốc.
"Sự bất ổn tương tự rất có thể xảy ra trong hai quý tới", ông Annell nói.
Tuần trước, nhiều thành phố ở Quảng Đông - "công xưởng" hàng xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc - đến Thẩm Dương, thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh, đã hạ lệnh hạn chế sử dụng điện mà hầu như không thông báo trước. Trong đó, Quảng Đông đóng góp khoảng 23% tổng lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm, theo dữ liệu chính thức được Wind Information tổng hợp. Còn Liêu Ninh đứng thứ 16 về giá trị xuất khẩu, chiếm 1,6% tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc.
Các lãnh đạo của Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đã xác nhận rằng việc Trung Quốc gần đây cắt điện trên diện rộng đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường này.
"Các công ty luôn dựa vào sự ổn định và tính dễ đoán của chính sách", ông Matt Margulies, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ -Trung Quốc cho biết. "Họ cần thông báo trước về việc gián đoạn cung cấp điện để đảm bảo an toàn và hoạt động kinh doanh liên tục", ông Margulies nói thêm.
"Họ cũng cần được tham vấn để đưa ra các giải pháp có thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các bên liên quan. Phương pháp tiếp cận 'may đo cùng một kích cỡ' sẽ gây xáo trộn, tăng chi phí và làm giảm niềm tin vào thị trường", đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ -Trung Quốc quan ngại.
Việc Trung Quốc cắt điện đột ngột trên diện rộng khiến các chuyên gia về kinh tế Trung Quốc hạ dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia này trong năm 2021.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs hôm 28/9 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Trung Quốc do việc cắt điện trên diện rộng làm ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình và khiến nhiều nhà máy, bao gồm một số nhà máy cung ứng cho Apple và Tesla, đã phải ngừng sản xuất. Cụ thể, Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 7,8%, thay vì mức 8,2% trước đó.
Ít nhất 17 tỉnh và khu vực - chiếm 66% GDP Trung Quốc - đã đưa ra những thông báo cắt điện trong những tháng gần đây, chủ yếu nhắm vào những "hộ" sử dụng điện vào sản xuất công nghiệp nặng, theo Bloomberg Intelligence.
Than đá gánh trọng trách khi đóng góp gần 60% giá trị nền kinh tế Trung Quốc. Thế nhưng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lâm cảnh thiếu than trầm trọng vì nguồn cung đã bị gián đoạn do đại dịch Covid-19, cộng với áp lực từ việc giảm khai thác và sử dụng than để thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính, và việc nhập khẩu than giảm trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Australia.
Trước đó, Tập đoàn tài chính Nomura cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2021 do cuộc khủng hoảng điện. Chuyên gia kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm 2021 xuống còn 7,7%, từ mức tăng 8,2% được đưa ra trước đó, trong bối cảnh nhiều nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa để thực hiện các mục tiêu giảm phát thải carbon.
Theo đài CNBC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố vào tháng 9/2020 rằng nước này sẽ đạt mục tiêu giảm phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt trạng thái trung tính carbon vào năm 2060. Động thái này đã kích hoạt các kế hoạch cấp quốc gia và địa phương nhằm cắt giảm sản lượng than và các quy trình phát thải lượng lớn carbon.
Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang gấp rút hành động sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) ra thông báo vào giữa tháng 8/2021 rằng có đến 20 địa phương - chiếm khoảng 70% GDP Trung Quốc - đã không đạt được các mục tiêu liên quan đến carbon.
Thiếu than và giá than tăng kỷ lục khiến "các nhà máy điện than không thể vận hành có lãi trong hầu hết các trường hợp", ông David Fishman, nhà nghiên cứu chính sách năng lượng Trung Quốc tại Công ty tư vấn kinh tế Lantau Group cho biết. Chuyên gia này lý giải tình trạng thiếu hụt than hiện nay là do những bất cập trong hệ thống định giá của Trung Quốc.