Thu hơn 32 nghìn tỷ đồng từ đất trong quý 1
Ảnh minh họa

Tại họp báo quý 1/2021 diễn ra ngày 28/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thu từ tài nguyên và môi trường trong quý I/2021 đạt 42,2 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng thu từ đất đạt 32,2 nghìn tỷ đồng, đóng góp 12% thu ngân sách nội địa, là nguồn đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn.

NGĂN NGỪA ĐẦU CƠ, TĂNG THU TỪ ĐẤT

Thông tin về kết quả trong 5 năm vừa qua (2016-2020), Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, các nguồn tài nguyên từng bước được quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Ngành này đã đóng góp cho Ngân sách nhà nước trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó đất đai (860 nghìn tỷ đồng chiếm 14% thu nội địa), tài nguyên khoáng sản (23 nghìn tỷ đồng), tài nguyên nước (10,6 nghìn tỷ đồng), thuế môi trường (khoảng 163 nghìn tỷ đồng). 

Đối với lĩnh vực quản lý đất đai đã đưa hơn 63 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế -xã hội; chuyển dịch gần 230 nghìn ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị. Xử lý, thu hồi, hủy bỏ hơn 1.500 dự án với diện tích gần 30 nghìn ha. Hoàn thành sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng đối với 2 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó thu hồi chuyển cho các địa phương hơn 400 nghìn ha.

Đặc biệt với việc thực hiện các quy định về giao đất, tăng cường đấu giá đất đã ngăn ngừa đầu cơ, tăng thu từ đất, đóng góp từ 12%-15% thu ngân sách nội địa hàng năm.

Đưa hơn 63 nghìn ha đất chưa sử dụng vào các mục đích phát triển kinh tế- xã hội; chuyển dịch gần 230 nghìn ha đất cho phát triển hạ tầng, sản xuất kinh doanh, phát triển đô thị.

Theo các thống kê được đưa ra trước đó, trong những năm qua nguồn thu từ đất qua tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, chưa tính đến các loại phí, lệ phí (kể cả trước bạ), thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đã tăng đáng kể cho ngân sách qua các năm. Nguồn thu từ đất trong 5 năm đạt 617.400 tỷ đồng. Cụ thể trong năm 2015 là 84.810 tỉ đồng, năm 2016 là 115.290 tỉ đồng, năm 2017 là 104.400 tỉ đồng, năm 2018 là 121.400 tỉ đồng. Nguồn thu này trong năm 2019 đạt 192 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2015.

Ngoài ra, đến nay đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,36% diện tích cần cấp, tăng 3,3 triệu giấy so với năm 2016. Đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai của 185 huyện, quận; 8 tỉnh thành đã thực hiện liên thông thủ tục với cơ quan thuế. Nhiều địa phương đã thực hiện các mô hình, phương thức tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao…

Cũng trong 5 năm qua, toàn ngành đã tiến hành hơn 7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra qua đó kiến nghị thu hồi gần 21,5 nghìn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực… Qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm; khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đã giảm 38% so với giai đoạn trước.

KIỂM TRA GIÁM SÁT, CÔNG KHAI MINH BẠCH THÔNG TIN ĐẤT ĐAI

Trước thực trạng sốt đất diễn ra tại các địa phương trong thời gian qua, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, Tổng cục quản lý đất đai đã tham mưu, có văn bản gửi các địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục đã có kế hoạch làm việc, kiểm tra, rà soát, phân tích thông tin nguyên nhân, nguồn gốc dẫn đến tình trạng này để có giải pháp xử lý.

Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp chỉ đạo đó là yêu cầu các địa phương đăng tải các thông tin công khai về quy hoạch, và giá đất. Luật đất đai cũng đã quy định rõ vấn đề này. Riêng về giá đất, người dân có thể vào tham khảo trong các trang web hoặc cổng thông tin… Khi các thông tin về quy hoạch và giá đất được đăng công khai thì tình trạng sốt đất đã hạ nhiệt.

Qua tình trạng này đã cho thấy kinh nghiệm về công tác quản lý thị trường bất động sản. Các đối tượng môi giới đã lợi dụng tình trạng này để “làm nóng” thêm thị trường bất động sản.

Ông Phấn cho rằng, đây là bài học để làm thế nào trong cơ chế chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện, triển khai có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn.

Trên cơ sở văn bản yêu cầu, đến nay Tổng cục đã tiếp nhận báo cáo của một số địa phương và đang tiếp tục tổng hợp, phân tích nguyên nhân.

Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo diện và theo chuyên đề để xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên môi trường, đặc biệt đối với đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi.

Liên quan đến vấn đề kiểm kê đất đai theo quy định của Luật đất đai và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục quản lý đất đai đã triển khai kiểm kê đất đai ở các địa phương. Đến nay có 63/63 tỉnh thành phố đã kiểm kê xong ở cơ sở. Các dữ liệu kiểm kê đã tổng hợp xong và trình phê duyệt, để công bố kết quả.

"Các dữ liệu kiểm kê sẽ giúp đánh giá hiện trạng sử dụng đất và là tư liệu đầu vào để các ngành kinh tế xã hội và các địa phương xây dựng chương trình kế hoạch, quy hoạch cho giai đoạn 2021- 2030 và định hướng dài hạn", ông Phấn nhấn mạnh.

Thông tin tới báo chí về những kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm trong quý 2 và năm 2021, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong Tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, thi hành Luật đất đai và sửa đổi Luật đất đai...

Để nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn lực trong đó có đất đai, trong giai đoạn 2021-2025 Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường quản lý quy hoạch, bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận thông tin của người dân. Hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai tập trung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở các đô thị, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, chỉ số “đăng ký đất đai” và “chất lượng quản lý hành chính đất đai” tăng 5- 10 bậc so với năm 2020.

Bộ cũng tập trung hoàn thiện cơ chế và điều kiện thực thi để tổ chức phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời  xây dựng lưới giá đất, thửa đất chuẩn, thông tin giá đất thị trường và bản đồ giá đất. Triển khai các mô hình tập trung, tích tụ đất đai phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Liên quan đến kiểm tra đất đai tại các địa phương, ông Phấn thông tin đã lên kế hoạch kiểm tra 26 địa phương và hiện nay các đoàn kiểm tra đang triển khai theo kế hoạch.

Đỗ Phong
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc