Thủ tướng: "Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam"
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Diễn đàn. Ảnh: Trần Việt Dũng.

Chiều 14/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự, đồng chủ trì và phát biểu chỉ đạo quan trọng tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2023.

Với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Diễn đàn năm nay tập trung vào các 4 nội dung lớn như: (i) Tháo gỡ các rào cản, vướng mắc để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; (ii) Sự tham gia của quốc tế trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và chuyển đổi lao động ở Việt Nam; (iii) Hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể hóa các chủ trương, đường lối về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các chiến lược, chương trình quốc gia, đề án liên quan về công nghiệp hóa, hiện đại hóa …; (iv) Trao đổi, thảo luận các nội dung trọng tâm nhằm xây dựng và thực hiện Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự cường gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA KHÔNG THỂ TÁCH RỜI CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và thực sự đang bước vào giai đoạn phát triển mới với cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.

Trong thời gian vừa qua, với việc chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm bớt sự phụ thuộc vào những lợi thế cạnh tranh cũng như tài nguyên thiên nhiên hay nguồn nhân công giá rẻ, kinh tế Việt Nam đã đạt được những bước phát triển mới, nhiều thành quả.

Chủ trương phát triển dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được Đảng, Nhà nước khẳng định trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và nêu rõ trong Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", trong đó xác định công nghiệp chế tạo, chế biến là then chốt, chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Theo Thủ tướng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, đã tác động toàn diện, sâu sắc đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam.

Triển lãm Quốc Tế về Công Nghiệp 4.0 đã chính thức khai mạc vào chiều ngày 14/6 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023. Với những công nghệ tân tiến nhất của hơn 50 công ty công nghệ hàng đầu được trình diễn, Triển lãm hứa hẹn sẽ mang đến cho khách mời những giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Triển lãm Quốc Tế về Công Nghiệp 4.0 đã chính thức khai mạc vào chiều ngày 14/6 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 năm 2023. Với những công nghệ tân tiến nhất của hơn 50 công ty công nghệ hàng đầu được trình diễn, Triển lãm hứa hẹn sẽ mang đến cho khách mời những giải pháp và công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Đó là thế giới được số hóa, kết nối số mọi lúc, mọi nơi, kết hợp thế giới thực với thế giới ảo. Do đó, công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ diễn ra cả trong môi trường thực và môi trường ảo.

Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ, làm thay đổi lực lượng sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn mới.

Đặc biệt, cuộc cách mạng này có phạm vi tác động bao trùm, toàn diện, hình thành các quan hệ sản xuất mới, các mô hình kinh doanh mới, tạo sự chuyển dịch các dòng vốn, công nghệ, lao động, nhất là chuyển đổi xanh-phát triển bền vững; thúc đẩy xã hội hóa, quốc tế hóa cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, đòi hỏi công nghiệp hóa, hiện đại hóa của mỗi nước phải đặt trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Do vậy, theo Thủ tướng, việc thích ứng và phát triển của mỗi quốc gia trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa hiện nay là vấn đề lớn, vừa cấp bách, vừa lâu dài, vừa tổng thể, vừa bao trùm.

"Đối với Việt Nam, ý thức rõ về cơ hội và yêu cầu, Chính phủ đã chủ động thích ứng, đổi mới để phát triển mà trước hết, không ngừng nỗ lực để tiếp tục xây dựng một Chính phủ có đủ năng lực quản trị phát triển trong thời đại số", Thủ tướng nhấn mạnh.

BÁM SÁT NGHỊ QUYẾT 29 ĐỂ RÚT NGẮN QUÁ TRÌNH

Theo người đứng đầu Chính phủ, vừa qua, chuyển đổi số ở Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. Chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ rệt, với gần 4.400 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Các cơ sở dữ liệu làm nền tảng để triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số tiếp tục được thúc đẩy triển khai, kết nối, chia sẻ phục vụ xây dựng Chính phủ số.

Song để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần tập trung vào những nhóm giải pháp chính. 

Thứ nhất, cần bám sát các yêu cầu của Nghị quyết 29 và sớm ban hành Chương trình hành động để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, ngành, cơ quan đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thủ tướng cho rằng thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện. 

Thủ tướng cho rằng thể chế cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số đang từng bước được hoàn thiện.

Cùng với đó là thực hiện có hiệu quả "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" (Quyết định số 749/QĐ-TTg) để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, thực hiện có hiệu quả phương châm đã đề ra cho năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" và Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Cùng với đó, đẩy nhanh việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy chuyển đổi xanh. 

Thứ ba, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Theo đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp; thực hiện điều chỉnh phân bố không gian phát triển công nghiệp của vùng, địa phương theo hướng gắn với các vùng động lực, cực tăng trưởng, hành lang kinh tế trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, lợi thế của từng vùng, bảo đảm tính chuyên môn hóa cao, tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng; hình thành các vùng công nghiệp, vành đai công nghiệp, cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, trọng tâm là hình thành các cụm liên kết ngành công nghiệp.

Thứ tư, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế như đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường... 

Thứ năm, đổi mới tư duy, tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhấn mạnh quan điểm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy từ quản lý sang kiến tạo phát triển, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra với tầm nhìn, chiến lược dài hạn để dẫn dắt, định hướng phát triển.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Trần Việt Dũng.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Trần Việt Dũng.

Thứ sáu, tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng nêu rõ, phải đa dạng hóa nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược. Đẩy nhanh tiến độ một số công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là hệ thống đường cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030, đường sắt tốc độ cao, sân bay, cảng biển, hạ tầng điện, viễn thông...

Thứ bảy, nhanh chóng thể chế hóa quan điểm nguồn lực trong nước là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; doanh nghiệp trong nước là động lực chính, chủ đạo; doanh nghiệp FDI có vai trò quan trọng, đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cùng với đó, cần xây dựng và triển khai định hướng phát triển một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột trong một số lĩnh vực quan trọng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, viễn thông, kết cấu hạ tầng...

Thứ tám, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.

Cuối cùng, Thủ tướng nêu rõ, là nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam kiên định nỗ lực hướng đến mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

"Việt Nam có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận và hưởng lợi từ CMCN lần thứ tư, như có cơ cấu dân số trẻ, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, hạ tầng cho công nghệ số hóa phát triển nhanh, cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện. Vì vậy, dù phải chú ý đến những yếu tố tác động tiêu cực nhưng đây thực sự là cơ cơ hội để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.

Anh Nhi
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam
Link bài viết gốc