Tổng thống Mỹ nhắc Trung Quốc tránh để quan hệ hai nước rơi vào "xung đột"
Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm trực tuyến từ phòng họp Roosevelt, Nhà Trắng. Ảnh: AFP

Theo phản ánh của đài CNBC, cuộc hội đàm trực tuyến ngày 16/11 giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong không khí tích cực và thân mật.

Thông tin từ Nhà Trắng cho thấy, trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Biden rằng ông "rất vui mừng" khi gặp lại "bạn cũ".

Còn Tổng thống Biden cho rằng: "Theo tôi, trách nhiệm của chúng ta với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước chúng ta không rơi vào xung đột, cho dù có chủ ý hay ngoài ý muốn".

"Cạnh tranh một cách bình thường, thẳng thắn", ông chủ Nhà Trắng nói thêm.

Cuộc hội đàm trực tuyến kéo dài nhiều giờ đồng hồ ngày 16/11 là lần trao đổi mới nhất giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào hồi tháng 1/2021.

Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump với một loạt đòn thuế quan giáng lên hàng tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau. Mỹ - Trung cũng bất đồng về nguồn gốc Covid-19, các quy tắc thương mại và cạnh tranh, việc gia tăng áp lực đối với Đài Loan, cùng nhiều vấn đề khác.

Theo hãng tin AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh việc Mỹ - Trung cần tăng cường trao đổi và hợp tác để giải quyết nhiều thách thức mà họ đối mặt. "Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hợp tác", Chủ tịch Tập Cận Bình nói.

Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm, bao gồm vấn đề nhân quyền và những vấn đề khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cuộc hội đàm trực tuyến lần này với Chủ tịch Tập Cận Bình do Tổng thống Biden đề xuất nhằm "hạ nhiệt" căng thẳng giữa hai nước. 

Dẫu vậy, các quan chức Mỹ không đặt kỳ vọng nhiều vào việc Mỹ - Trung sẽ đạt được bất kỳ thỏa thuận cụ thể nào, bao gồm cả thương mại - lĩnh vực mà Trung Quốc chưa thực hiện được đúng cam kết chi thêm 200 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ theo thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Thuế quan của Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh và doanh nghiệp hy vọng sẽ được giảm bớt, đã không có trong chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.

Nhà Trắng đã từ chối bình luận về việc liệu Mỹ có cử các quan chức đến dự Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh vào tháng 2/2022 hay không. Trong khi đó, các nhà vận động hành lang và nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Biden tẩy chay Thế vận hội này.

Bình luận về cuộc hội đàm trực tuyến lần này, ông Scott Kennedy, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho rằng: "Mỹ - Trung đang cố gắng đạt mục tiêu của cuộc hội đàm là tạo ra sự ổn định trong mối quan hệ song phương, thông qua những tiếng nói thân thiện và khung tổng thể của cuộc trao đổi, cũng như tầm quan trọng của mối quan hệ hai bên".

"Câu hỏi là liệu hai bên có đạt được thỏa thuận về bất cứ điều gì hay ít nhất là đồng ý hay không đồng ý, và tránh các động thái leo thang không", ông Scott Kennedy nói.

Còn theo hãng tin AFP, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng muốn tránh gia tăng căng thẳng với Mỹ. Nhưng phía Trung Quốc được cho là sẽ đẩy lùi những nỗ lực của Washington nhằm tạo thêm không gian cho Đài Loan trên trường quốc tế.

Zhao Lijian, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết tại cuộc họp hôm 15/11 rằng: "Hy vọng Mỹ - Trung sẽ nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác, quản lý hiệu quả những khác biệt, xử lý phù hợp các vấn đề nhạy cảm, và đi đến cách thức tôn trọng lẫn nhau và cùng chung sống một cách hòa bình".

Tuần trước, Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra những tầm nhìn cạnh tranh, trong đó ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh đến cam kết của Mỹ về một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở", còn Chủ tịch Tập Cận Bình khuyến cáo khu vực châu Á - Thái Bình Dương không nên quay trở lại những căng thẳng của thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Lê Quân
Nguồn: Báo Đầu tư
Link bài viết gốc