Vĩnh Phúc và mô hình kết nối với Hàn Quốc để phát triển cơ khí điện tử
(Chinhphu.vn) – Vĩnh Phúc có đặc thù là địa phương có nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) lớn hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử đã hình thành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng và tham gia của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, cần có sự kết nối và nâng cao năng lực.
Đây là khẳng định của đại diện tỉnh Vĩnh Phúc tại Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử” do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chiều ngày 6/7.
Cũng tại Hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Tư vấn giải pháp công nghệ Việt-Hàn (VITASK) đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử.
Theo biên bản ghi nhớ này, trong thời gian 1 năm, VITASK sẽ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật cho ít nhất 10 DN của Vĩnh Phúc hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô, điện, điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thiết kế sản phẩm, khuôn mẫu, nâng cao năng suất chất lượng; hỗ trợ đào tạo, tư vấn chuyên gia kỹ thuật, chuyển giao công nghệ...
Dự địa lớn để tham gia vào chuỗi cung ứng
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy và điện tử ở phía bắc. Hiện nay, tỉnh có trên 11.000 DN đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 128.000 tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 8.000 DN thực tế hoạt động (tương đương 70% DN đăng ký). Tuy vậy, tỉ lệ DN Vĩnh Phúc tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các DN FDI đầu chuỗi giá trị còn rất ít, các DN tham gia sản xuất ở các lớp dưới trong chuỗi cũng chỉ mới hình thành. Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa năng lực của DN trong nước và nhu cầu của DN FDI trên địa bàn tỉnh.
“Vì vậy, việc nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để các DN của tỉnh có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các DN FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu là việc làm hết sức cần thiết, bảo đảm cho công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững”, ông Nguyễn Văn Độ nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang: Vĩnh Phúc đánh giá cao mô hình tư vấn, chuyển giao công nghệ công nghiệp, tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo DN của đối tác Hàn Quốc. Ảnh: VGP
Đánh giá về thực trạng liên kết giữa các DN nội địa và DN FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, cũng như nhiều địa phương, tiềm năng liên kết của các DN tỉnh Vĩnh Phúc còn rất rộng mở, có nhiều dư địa để triển khai. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có rất ít các nhà cung cấp lớp 1, chủ yếu là nhà cung cấp lớp 2, 3, trong đó cũng chủ yếu là các nhà cung cấp FDI, vẫn rất thiếu bóng dáng DN nội địa.
Để thực hiện liên kết đòi hỏi nhiều yếu tố, như sự thiện chí, nhiệt tình của các DN FDI, sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm của các DN nội địa và rất quan trọng là sự vào cuộc của chính quyền các cấp, của các cơ quan Nhà nước.
Một số khó khăn và hạn chế của nhiều DN nội địa là các bên chưa chủ động tham gia liên kết, hoặc không đủ tự tin đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất. Điều này xuất phát từ nhiều lý do, như năng lực liên kết hạn chế, giá thành sản phẩm quá cao so với sản phẩm cùng loại do DN FDI sản suất, gặp khó khi áp lực về quy mô, thời gian giao hàng cao, thiếu thông tin về nhu cầu đối tác…
Do đó, ông Đường Trọng Khang kỳ vọng, với sự hỗ trợ bài bản từ các đơn vị của Hàn Quốc, các DN nội địa sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tiếp cận chuỗi cung ứng của các DN Hàn Quốc nói riêng cũng như DN FDI nói chung. Đồng thời, khi các thông tin được trao đổi thường xuyên, các cấp, các ngành xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế của tỉnh, các DN FDI, DN nội địa sẽ hiểu nhau hơn để xây dựng mối liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển.
Tăng tốc quá trình “soát lỗi” và nâng cấp DN nội địa
Câu chuyện DN Việt gặp khó tham gia vào chuỗi cung ứng không phải mới, để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
Chính phủ cũng đã nêu ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng “phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo thông qua các chương trình, kế hoạch quốc gia về nâng cao tay nghề, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN”. Tuy nhiên, thực tế đến nay, việc triển khai bước đi cụ thể ở các địa phương để tăng tính liên kết, chuyển giao công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, không có nhiều DN nội địa thật sự tham gia vào chuỗi cung ứng hiệu quả.
Ông Jeong Woo Jin, Công sứ kiêm Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam- Ảnh:VGP
Đại diện đối tác Hàn Quốc, ông An Kyong Jin, Phó Giám đốc VITASK khẳng định, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, các DN FDI Hàn Quốc muốn tìm các nhà cung cấp tại chỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, nội địa hóa cao nhất các sản phẩm.
Nhưng qua thời gian khảo sát, đến nay, hầu như rất ít DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu, do gặp phải khá nhiều hạn chế, đặc biệt là về kỹ thuật. Do đó, thông qua việc ký kết hợp tác về hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, phía Hàn Quốc sẽ hỗ trợ kỹ thuật, kết nối với các chuyên gia đầu ngành giải quyết nhiều khó khăn. Các DN Việt sẽ đủ khả năng nhận chuyển giao, tiếp thu các công nghệ tiên tiến và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng.
Thông qua kết nối mạng lưới kết nối các chuyên gia đầu ngành, kỹ sư, nghiên cứu viên chuyên sâu từ Hàn Quốc, VITASK phối hợp hỗ trợ các DN nội địa các hoạt động, như phân tích, thử nghiệm, tìm lỗi các sản phẩm, phân tích nguyên nhân để giúp nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm cơ khí, điện tử của DN để từng bước khắc phục, nâng cấp đạt tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm của đối tác nước ngoài.
“Các chuyên gia, trung tâm tư vấn đào tạo Hàn Quốc có thể hỗ trợ theo chuyên ngành sâu hoặc hỗ trợ DN nội địa theo “phương thức 1:1”. Hoạt động hỗ trợ này sẽ có thời hạn, có thể trong khoảng 5 năm khi đạt được các bước tiến, sau đó sẽ chuyển giao lại cho phía các chuyên gia Việt Nam tiếp tục phát triển”, ông An Kyong Jin cho biết.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử - Ảnh: VGP
Ông Jeong Woo Jin, Công sứ kiêm Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết: Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên trong cả nước ký kết biên bản ghi nhớ với VITASK về hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử.
Theo ông Jeong Woo Jin, với các nội dung hỗ trợ cụ thể, các DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử trên địa bàn tỉnh sẽ được cung cấp các giải pháp cải thiện các vấn đề kỹ thuật và tăng cường hoạt động thương mại, giúp các DN gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu.
Đại diện Vĩnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh trong những năm gần đây đã tác động đến phát triển DN công nghiệp nội địa. Các DN FDI vừa là khách hàng, vừa là đối thủ cạnh tranh của DN trong nước trong cùng một chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN trong nước, bắt buộc DN trong nước phải gia tăng năng lực cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, gần đây, căng thẳng thương mại và đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đặt ra nhiều thách thức cũng như mở ra cơ hội mới cho DN Việt Nam nói chung, DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào chuỗi cung ứng, được thử sức ở thị trường rộng lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang cho biết, Vĩnh Phúc có 415 DN FDI, trong đó có nhiều DN lớn hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, như Toyota, Honda, Piaggio, Camsys, Compal… đã hình thành chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng và tham gia của các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, cần có sự kết nối và nâng cao năng lực. Do đó, đại diện tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao mô hình tư vấn, chuyển giao công nghệ công nghiệp, tăng cường năng lực đổi mới, sáng tạo DN của đối tác Hàn Quốc.
“Từ việc triển khai thực hiện các nội dung của Biên bản ghi nhớ được ký kết, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cơ khí, điện tử trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều cơ hội đổi mới công nghệ, theo kịp sự phát triển của khu vực và thế giới”, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kỳ vọng.