Bất chấp những khó khăn từ thị trường xuất khẩu, ngành nông nghiệp vẫn xuất siêu tới 6,3 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong tháng 7/2022 ước khoảng 4,8 tỷ USD, giảm 2,0% so với tháng trước, nhưng tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính gần 2,0 tỷ USD, lâm sản chính ước trên 1,4 tỷ USD, thủy sản đạt 965 triệu USD và chăn nuôi đạt 42,1 triệu USD…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng vừa qua, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt thị trường xuất khẩu có nhiều biến động do lạm phát xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, tỷ giá Euro/USD giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
BỐN MẶT HÀNG CÓ GIÁ TRỊ XUẤT KHẨU TRÊN 2 TỶ USD
Trong 7 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với 7 tháng năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt khoảng 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước khoảng 26,0 tỷ USD, tăng 1,6%. Tính đến hết tháng 7/2022, toàn ngành xuất siêu gần 6,3 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khâu nhóm nông sản chính đạt 13,3 tỷ USD, tăng 8,4%; lâm sản chính đạt trên 10,4 tỷ USD, tăng 1,3%; thủy sản ước đạt gần 6,7 tỷ USD, tăng 34,2%; chăn nuôi ước đạt 225,6 triệu USD, giảm 11,6%; xuất khẩu đầu vào sản xuất gần 1,7 tỷ USD, tăng 66,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. |
Đến thời điểm này, ngành nông nghiệp đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 2 tỷ USD là cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ. Trong khi đó, những mặt hàng giảm gồm nhóm hàng rau quả, hạt điều, sản phẩm chăn nuôi.
Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Giá trị xuất khẩu cà phê đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 46,2%); cao su đạt trên 1,6 tỷ USD (tăng 7,0%); gạo trên 2 tỷ USD (tăng 9,0%); hồ tiêu khoảng 661 triệu USD (tăng 11,7%); sắn và sản phẩm sắn đạt 904 triệu USD (tăng 32,1%), cá tra đạt khoảng 1,6 tỷ USD (tăng 83,6%), tôm đạt trên 2,7 tỷ USD (tăng 26,2%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 9,7 tỷ USD (tăng 1,2%); mây, tre, cói thảm đạt 538 triệu USD (tăng 3,1%), phân bón các loại đạt 848 triệu USD (gấp 3,2 lần).
Những mặt hàng giảm gồm: Nhóm hàng rau quả đạt trên 1,9 tỷ USD (giảm 16,1%), hạt điều ước đạt gần 1,8 tỷ USD (giảm 10,4%), sản phẩm chăn nuôi đạt 225,6 triệu USD (giảm 11,6%). Dù kim ngạch xuất khẩu nhóm gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,2% nhưng giá trị xuất khẩu của sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% với giá trị trên 6,9 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu trong 7 tháng, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 42,4% thị phần), châu Mỹ (29,3%), châu Âu (11,9%), châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,6%).
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt gần 8,7 tỷ USD; chiếm 26,8% thị phần. Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 5,7 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần. Các vị trí tiếp theo là: Nhật Bản xếp thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt trên 2,3 tỷ USD (chiếm 7,2%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị đạt trên 1,5 tỷ USD (chiếm 4,7%).
GẦN 2,7% SỐ MẪU NÔNG SẢN VI PHẠM VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM
Ở chiều nhập khẩu, tính chung 7 tháng, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước trên 26,0 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt trên 16 tỷ USD, giảm 0,6%; nhóm hàng thủy sản ước trên 1,5 tỷ USD, tăng 27,9%; nhóm lâm sản chính gần 1,9 tỷ USD, tăng 0,5%; nhóm sản phẩm chăn nuôi khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 11,6%; nhóm đầu vào sản xuất ước gần 4,7 tỷ USD, tăng 9,4%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay trong tháng 7/2022, Bộ này đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường; khảo sát tình hình tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản tại các địa phương, cửa khẩu.
Mặt khác, đã tăng cường phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về những điều khoản quy định xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; cập nhật, phổ biến thường xuyên những thay đổi về quy định nhập khẩu của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Trong tháng vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”; Phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong tháng, đã tổng hợp được 40 thông báo dự thảo quy định về SPS; đã xử lý 14 cảnh báo của EU.
Tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mới 274 mã số vùng trồng và 20 mã số cơ sở đóng gói thạch đen, bưởi, xoài, lúa, khoai lang, thanh long của các địa phương Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận, Tiền Giang.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán nông nghiệp chuẩn bị tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản trong Quý 3, 4/2022. |
Đồng thời, tổ chức lấy 203 mẫu thủy sản để xét nghiệm kiểm tra, kết quả 202 mẫu đạt yêu cầu; các địa phương lấy 2.796 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch để kiểm tra, phát hiện 51 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm, chiếm 1,82%.
Lũy kế 7 tháng, Bộ đã lấy 2.053 mẫu thủy sản, phát hiện 28 mẫu vi phạm (chiếm 1,36%); các địa phương lấy 17.979 mẫu nông lâm thủy sản sau thu hoạch, kiểm tra phát hiện 479 mẫu vi phạm an toàn thực phẩm (chiếm 2,66%).
Trong tháng 8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (đặc biệt tại các cửa khẩu).
Đặc biệt tiếp tục triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phối hợp tổ chức thực hiện các Diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản.
Trong các hoạt động đối ngoại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.